Trang kể, cách đây 8 năm cô đã từng vứt bỏ một đứa con do mình rứt ruột đẻ ra trong một khu rừng cao su ở Đồng Nai. Bây giờ, cô cũng không rõ con mình còn sống hay chết, nhưng theo linh cảm người mẹ thì bé đã đi về thế giới bên kia. Ngày đó, học xong trung học chân ráo chân ướt vào TP HCM học nghề uốn tóc, một lần cô theo mấy người bạn cùng phòng trọ đi chơi Vũng Tàu. Họ gặp một nhóm nam thanh niên rồi trêu đùa, ăn nhậu cùng nhau, say xỉn lúc nào không hay. Thời gian sau, cô thấy mình thường xuyên mệt mỏi chóng mặt, người ốm yếu hốc hác, bụng lại có vẻ to ra, ai cũng nghĩ cô bị chướng bụng.
Khi cô biết mình đang mang bầu thì cái thai đã sang tháng thứ 6. Cô nịt bụng, nhảy dây, vận động mạnh hy vọng cái thai sẽ rơi ra nhưng không được. Bạn bè trong phòng không ai biết Trang mang bầu. Rồi cô một mình vượt cạn tại một nhà hộ sinh trong thành phố, sau đó bắt xe khách về Đồng Nai vứt con ở đó để không ai biết.
Sau khi vứt bỏ giọt máu của mình, cô gái cảm thấy thật nhẹ lòng. Cô tiếp tục học và thành nghề. Đến khi kiếm được tiền, cô bắt đầu bị ám ảnh, trở lại rừng cao su nơi mình đã bỏ con nhưng không tìm được thông tin nào về bé. Từ đó đến nay, Trang sống trong cảm giác tội lỗi, thường nằm mơ thấy một em bé khóc lóc. Cô rời Việt Nam sang Mỹ, nhưng đứa bé vẫn đi theo cô trong những giấc mơ.
“Tôi đang yêu một người và anh ấy cũng rất yêu tôi, muốn cuối năm kết hôn. Nhưng tôi sợ cảm giác sinh con, thấy mình không xứng đáng làm mẹ. Liệu biết tôi không muốn có con, người yêu còn muốn cưới tôi hay không. Ước gì có thể quay ngược lại thời gian, tôi sẽ không vứt con của mình đi”, Trang tâm sự.
Theo chuyên gia tâm lý Hồ Thị Tuyết Mai (Trung tâm tư vấn Tình yêu Hôn nhân Gia đình của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam), những người mẹ bình thường không bao giờ bỏ con, các cụ đã từng nói “hổ dữ không ăn thịt con”.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến một người mẹ lựa chọn giải pháp bỏ con như bị lừa gạt trong tình yêu, quá hận thù đến mức muốn giết chết đứa trẻ. Đứa trẻ ra đời hoàn toàn ngoài ý muốn của người mẹ, có thể đem rắc rối cho mẹ… Nếu đem đứa trẻ vào các nhà tình thương, bé sẽ có cơ hội sống sót. Có người bỏ con vào thùng rác, gốc cây, ven đường… bởi họ hoàn toàn không muốn sự có mặt của đứa con trên đời, hoặc cũng có thể không đủ can đảm để nhờ nơi nào đó nuôi con. Lúc hành động, họ không đủ sâu sắc để nghĩ rằng sau này mình sẽ bị ám ảnh.
Cũng có những trường hợp ngờ nghệch như cô gái Trung Quốc vô tình đẻ rơi con mà không biết, rồi sau đó sợ hãi trốn tránh trách nhiệm. Hay có những trường hợp rất đáng thương như một em gái bị cưỡng hiếp không dám nói cho mẹ, cuối cùng tự xử bằng cách sinh con ra rồi vứt bé đi.
Theo bà Mai, những sản phụ vứt bỏ con hoàn toàn không bị các bệnh lý về tâm thần, thần kinh. Sâu xa của hành động đều xuất phát từ sự thiếu giáo dục và thiếu hiểu biết, thiếu quan tâm của gia đình. Rõ ràng, ở những chuyện sinh tử như thế này, vai trò của giáo dục trong gia đình là rất quan trọng. Nếu như người nhà biết để ý quan tâm và bao dung với con cái, những cô gái này đã không phải mang thai trong âm thầm. Nếu được giáo dục các kỹ năng sống, biết bảo vệ bản thân, biết kiềm chế bản năng tình dục, biết cách phòng ngừa thai... thì các em đã không để xảy ra những chuyện mang thai ngoài ý muốn.
Trong xã hội hiện nay rất nhiều bạn trẻ ăn cơm trước kẻng và hệ lụy cũng khá nhiều. Chuyên gia tâm lý khuyên, con gái trong tình yêu nên biết tự trọng và hết sức giữ gìn, đến với tình yêu phải tìm hiểu thật kỹ, yêu cầu đối phương cũng giữ gìn cho mình. Ở các nước phương Tây, sống thử tương đối phổ biến. Khi hai người nam nữ dọn đến sống cùng nhau, họ đều có đủ điều kiện về kinh tế, kiến thức tình dục… Còn ở Việt Nam, nhiều bạn trẻ dọn đến sống thử cùng nhau khi trong tay chẳng có một thứ gi, nhiều người đang đi học, nghề nghiệp không, tiền bạc không, kiến thức bảo vệ bản thân không...
Còn theo bác sĩ Nguyễn Lan Hải (Hoa Tiêu), không kể giới mại dâm, tệ nạn xã hội, những cô gái ăn chơi thác loạn thì phần lớn cô gái chưa chồng buộc phải phá thai hay bỏ con sơ sinh đều là sinh viên, công nhân thật thà, trong sáng, ngờ nghệch, tin vào tình yêu đến mức gặp phải Sở Khanh. Những cô gái lão luyện thì sẽ đủ kỹ năng để không đẩy mình vào tình huống mang "ba lô ngược".
"Những người mẹ buộc phải bỏ con phần lớn đều đáng thương hơn đáng giận", bác sĩ Hải nói. Bác sĩ cũng phân biệt ra hai kiểu sản phụ bỏ con. Một là sản phụ mang thai đã lớn không phá được, buộc phải giữ lại cho đến ngày sinh. Trong số này, rất nhiều người định giữ thai lại để trói buộc bố của đứa bé, cuối cùng không toại nguyện, họ sẵn sàng đem vứt bỏ con mình hay bán cho người khác. Đây là những người đã bị “bệnh sida tâm hồn”, hết thuốc chữa.
Còn một kiểu sản phụ khác đáng thương, do điều kiện gia đình khó khăn không được cha mẹ (ông bà ngoại của đứa bé) chấp nhận, bị tình phụ, nếu giữ con lại có thể bị đánh đập hắt hủi, bị ảnh hưởng đến công việc và học tập, họ buộc phải bỏ con mà lòng dằn vặt đau đớn. Trong quá trình công tác và đi theo các đoàn từ thiện, bác sĩ Lan Hải đã gặp rất nhiều bé sơ sinh bị bỏ rơi tại các làng trẻ em, cô nhi viện…
Bác sĩ này cảm khái: “Phải cám ơn mẹ của những em bé này vì họ vẫn có tình mẫu tử, vẫn trao cho con mình sự sống. Dù sao họ vẫn còn biết yêu thương con mình hơn những người sẵn sàng phá thai, hơn những cô gái mà lên bàn phá thai buổi sáng, lên sàn nhảy buổi tối”.
Nhiều người mẹ đã nhờ các sơ nuôi con hộ, viết cam kết khi nào đủ điều kiện sẽ đến đón con. Thậm chí, có những người rất tự trọng, khi đón con về nuôi, đã từ chối nhận khoản phụ cấp 300-400 nghìn đồng mỗi tháng “để dành cho những đứa trẻ kém may mắn khác”. Cũng có những người mẹ mang con gửi vào các nhà tình thương, cuối cùng được một kết thúc có hậu: Bố đứa trẻ quay trở lại và cả gia đình đoàn tụ.
Bác sĩ Lan Hải nói, rõ ràng chẳng ai muốn đẩy mình vào tình huống vứt bỏ con đi. “Chúng ta không có quyền kết án những bà mẹ này, bởi chúng ta không phải là những quan tòa”. Bà hy vọng những sản phụ nếu không nuôi nổi con thì ít nhất hãy nghĩ đến việc đưa con đến các trung tâm bảo trợ xã hội, cô nhi viện... Các em bé đáng được sống giống như mọi con người khác, bởi mỗi đứa trẻ ra đời là một món quà cuộc sống chứ không phải là một sự sai lầm của người lớn.
Theo bộ phim tài liệu “The Drop Box” của Brian Ivie, ở Hàn Quốc, mục sư Lee Jong-rack đã làm ra một chiếc hộp sơ sinh đặt bên cạnh nhà với dòng chữ “Xin đặt trẻ sơ sinh vào đây”. Bên trong chiếc hộp, có chiếc khăn dầy phủ đáy, có đèn và hơi ấm để giữ cho thai nhi thoải mái. Chiếc chuông sẽ reo lên mỗi khi có ai đó đặt một em bé vào trong hộp. Lúc đó, Jong-rak, vợ ông hay một nhân viên của nhà thờ sẽ lập tức di chuyển em bé vào bên trong. Mục sư Jong-rak quả quyết: “Chiếc hộp nhỏ này quả là chỗ an toàn hơn các dự định giải quyết đứa con đã từng ám ảnh những bà mẹ đơn chiếc. Nhờ chiếc hộp, nhiều người mẹ đã chọn cho con mình sự sống”. |
Kim Kim