Ngân hàng Nhà nước vừa công bố báo cáo cho thấy tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3 năm nay, toàn hệ thống đã xử lý 907.300 tỷ đồng nợ xấu. Riêng năm ngoái xử lý 163.140 tỷ, đưa tỷ lệ nợ xấu về 2,02%. Tính chung tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ xấu tiềm ẩn hiện ở mức 5,88%. Con số này giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và 7,36% cuối năm 2017.
Theo báo cáo, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%.
Còn theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, báo cáo từ các tổ chức tín dụng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,5% vào cuối năm 2017 xuống mức 2,4% vào cuối 2018. Dự phòng rủi ro tín dụng tăng khoảng 30,1% trong cùng giai đoạn.
Mùa đại hội cổ đông vừa qua cũng ghi nhận tình hình kiềm chế nợ xấu khả quan tại các ngân hàng thương mại. Ghi nhận trong số 17 ngân hàng niêm yết, đa số các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu 1-2%, thậm chí có ngân hàng kiểm soát nợ xấu dưới mức 1%. Trong đó ACB ghi nhận nợ xấu ở mức thấp nhất 0,73%, Vietcombank 0,97%, MBBank 1,33%, HDBank 1,45% và TPBank 1,89%.
Đồng thời nhiều nhà băng trong top này cũng thuộc nhóm có tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất năm tài chính vừa qua với Vietcombank, HDBank và TPBank ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận hơn 60%.
Cụ thể tại Vietcombank, báo cáo ghi nhận nợ xấu tại thời điểm 31/3/2019 là 6.952 tỷ đồng, tăng hơn 700 tỷ so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ 0,97% lên 1,03%. Trước đó, năm 2018 là năm đầu tiên kể từ khi cổ phần hóa Vietcombank đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới 1%.
Còn tại HDBank, trong 5 năm gần đây nhà băng duy trì chất lượng tài sản thuộc nhóm tốt nhất thị trường. Ngân hàng có chính sách tín dụng thận trọng, quản lý rủi ro hiệu quả và tập trung vào đối tượng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp SME. Bên cạnh đó việc phát triển khách hàng theo hệ sinh thái cũng giúp ngân hàng kiểm soát tốt mục đích sử dụng vốn và nguồn trả nợ của khách hàng.
Đến 31/3/2019, tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank chỉ còn 0,96%, tỉ lệ nợ xấu hợp nhất là 1,45%, tiếp tục giảm so với cuối 2018 cũng như so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia tài chính nhận định từ quý III năm ngoái, nợ xấu có chiều hướng gia tăng tuy nhiên tính đến cuối quý I năm nay, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn còn dưới mức mục tiêu 3%.
Cuối năm ngoái, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra loạt yêu cầu với các nhà băng cũng như VAMC trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống. Theo đó, VAMC phải đẩy mạnh hoạt động mua bán, xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường, đồng thời áp dụng biện pháp giảm thiểu rủi ro trong việc mua bán nợ theo giá trị thị trường.
Song song đó, VAMC tăng cường phối hợp với ngân hàng để rà soát, phân loại, đánh giá lại tài sản bảo đảm và các khoản nợ xấu đã mua để xác định khả năng thu hồi nợ và có giải pháp xử lý phù hợp. Thống đốc cũng yêu cầu các nhà băng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu, đảm bảo mục tiêu xử lý nợ xấu theo phương án đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Mục tiêu của ngành ngân hàng năm nay phấn đấu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng xuống dưới 2% và tỷ lệ nợ xấu, nợ xấu tiềm ẩn dưới 5%.
Nam Anh