Quả cầu lửa được các nhà khoa học Tây Ban Nha phát hiện lần đầu vào 22h25 hôm 11/12 khi băng ngang qua nhiều tỉnh phía nam gồm Andalucia, Granada và Jaen, theo RT. Nhà vật lý thiên văn Jose Maria Madiedo ở Đại học Huelva cho rằng vật thể là một phần của tiểu hành tinh. "Nó phải có kích thước tương đối lớn để có thể tồn tại sau hành trình xuyên qua khí quyển Trái Đất", Madiedo nói.
Các nhân chứng cho biết họ nghe thấy một tiếng nổ lớn khi quả cầu lửa xuất hiện và cảm thấy rung chấn giống như động đất. Theo mô tả của nhân chứng, quả cầu lửa "sáng hơn cả Mặt Trăng".
Thông qua các báo cáo và phân tích sơ bộ hiện tượng, các nhà khoa học kết luận quả cầu lửa có thể rơi xuống dưới dạng sao băng.
Theo giáo sư Madiedo, vật thể được nhận biết qua mạng lưới camera độ nhạy cao của Đại học Huelva, lắp ở 10 trạm tại Andalusia và Castilla. Quả cầu lửa cũng được quan sát ở các trạm thiên văn ở các khu vực khác.
Hôm 6/12, một vật thể giống sao băng phát nổ chói lóa trên bầu trời Siberia, khiến quang cảnh buổi đêm rực sáng như ban ngày.
Phương Hoa