9h sáng hàng ngày, tại quán cà phê nhượng quyền Napoli trên đường Đồng Nai (quận 10) luôn tấp nập khách. Anh Hoàng, chủ cửa hàng cho biết, dịch bệnh còn phức tạp nhưng khách ghé quán vẫn tăng cao. "Mỗi ngày, quán cà phê này đón hàng trăm khách, chưa kể khách đặt hàng qua ứng dụng tăng gấp đôi", anh nói.
Tương tự, nằm ở một góc của con đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) nhưng quán Milano vẫn đều đặn khách đặt hàng mang đi. "Diện tích khá nhỏ nhưng số lượng đơn hàng bán ra mỗi ngày vài trăm ly", nữ nhân viên tại cửa hàng cà phê cho biết.
Không chỉ 2 cửa hàng trên đắt khách, các chuỗi cà phê nhượng quyền bình dân khác cũng ghi nhận lượng khách ổn định và lợi nhuận tốt dù ảnh hưởng dịch bệnh.
Nói với VnExpress, ông Nguyễn Đức Hưng, sáng lập Napoli Coffee cho biết bắt đầu nhượng quyền từ năm 2010, đến nay ông có 3.000 cửa hàng nhượng quyền với các quy mô khác nhau. Hiện chuỗi cà phê này mỗi năm mang về doanh thu cho công ty cả trăm tỷ đồng.
"Mặc dù đã cán mốc 3.000 cửa hàng, số lượng đối tác muốn ký nhượng quyền vẫn tăng đều mỗi ngày. Một tháng, chúng tôi khai trương bình quân tầm 2-3 cửa hàng, có những đối tác đang sở hữu 5 cửa hàng vẫn muốn mở thêm vì doanh số từ các chuỗi này khá tích cực", ông Hưng cho biết.
Cũng nhanh chóng bành trướng trên thị trường, chuỗi E-Coffee của Trung Nguyên trong hơn 2 năm đã phủ 54 tỉnh thành cả nước. Đại diện Trung Nguyên Legend cho biết, đang có 1.000 đối tác trên toàn quốc và ngày càng gia tăng thêm các cửa hàng mới. Tương tự, Milano cũng sở hữu hàng nghìn cửa hàng tại nhiều tỉnh thành.
Điểm chung thu hút đối tác của mô hình này là chọn hướng đầu tư kinh doanh bằng chính sách nhượng quyền 0 đồng.
Các đơn vị này sẽ không thu phí bản quyền thương hiệu, phí duy trì hằng tháng... Họ có lợi nhuận chủ yếu đến từ việc thi công, trang trí quán cà phê hay bán các sản phẩm cà phê đóng gói, nước giải khát do chính họ sản xuất.
Như Napoli, đơn vị này có 3 gói nhượng quyền từ 70-350 triệu đồng ứng với diện tích quán từ 50-100 m2. Gói này bao gồm chi phí bảo hành 5 năm, trang trí, bàn ghế, ánh sáng, đồng phục, quy trình pha chế... trừ các thiết bị vệ sinh và tuyển nhân sự.
Mặc dù việc trang trí quán không đơn giản và có thể mất nhiều chi phí nhưng các doanh nghiệp nhượng quyền bình dân sẽ chọn cách thiết kế đơn giản nhất cho đối tác và bằng chính nội thất giá rẻ do họ sản xuất...
Với Trung Nguyên E-Coffee, họ có các gói hợp tác linh hoạt từ 65-175 triệu đồng. Ngoài ra, để các đối tác kinh doanh hiệu quả, đơn vị này còn đào tạo pha chế, vận hành giai đoạn đầu hợp tác, giám sát hỗ trợ thường xuyên đối tác các hoạt động vận hành cửa hàng.
Bên cạnh đưa ra các gói sản phẩm trọn gói, các doanh nghiệp này còn hỗ trợ đối tác tìm mặt bằng nếu xảy ra trường hợp mặt bằng cũ bị lấy lại hoặc tăng giá.
Theo ông Hưng, tại Napoli rất nhiều trường hợp phải đổi mặt bằng nếu tình hình kinh doanh không thuận lợi. "Chúng tôi có khoảng 10 nhóm để hỗ trợ cho các đối tác muốn nhượng quyền. Họ giúp các chủ quán làm marketing, giấy phép kinh doanh, tuyển dụng, đào tạo... và quan trọng là hướng dẫn cách bán sao cho có lợi nhuận", ông Hưng nói.
Năm nay, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều chuỗi cửa hàng phải đóng cửa, giảm doanh số thì chuỗi cà phê nhượng quyền bình dân vẫn sống khoẻ nhờ bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử.
Đánh giá về sự bùng nổ của mô hình này, Thạc sĩ Lê Anh Tú, Giảng viên trường Đại Học Văn Lang cho rằng, mô hình chuỗi cà phê chuyển nhượng bình dân đang phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ngoài bán sản phẩm với giá hợp lý (12.000-30.000 đồng một ly), các chuỗi này cũng nhanh chóng chuyển mình để thích ứng an toàn. Nhờ linh hoạt chuyển đổi nên các chuỗi trên ngày càng nở rộ và phủ sóng cả nước.
"Điểm nổi bật của mô hình chuyển nhượng chuỗi cà phê ở phân khúc bình dân là các ông chủ của chuỗi này ngày cành chuyên nghiệp hoá và linh hoạt bộ máy của họ. Họ xây dựng được đội ngũ hỗ trợ đối tác bài bản nên tương lai nhóm này sẽ càng phát triển và có vị thế riêng trong mô hình chuỗi cà phê nhượng quyền", ông Tú đánh giá.
Thi Hà