Hôm qua, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) ước tính trong tài khóa 2020 (kết thúc vào ngày 30/9), Mỹ đã thâm hụt khoảng 3.130 tỷ USD – tương đương 15,2% GDP. Con số này được tính dựa trên mức đã chi – 6.500 tỷ USD và nguồn thu – 3.420 tỷ USD.
Bộ Tài chính Mỹ cuối tháng này mới công bố số liệu chính thức cho tài khóa 2020. Tuy nhiên, dựa trên số liệu của CBO, Ủy ban Ngân sách liên bang (CRFB) – một tổ chức nghiên cứu độc lập - dự báo tổng nợ của nước này (được tính bằng tổng thâm hụt các năm) sẽ vượt GDP. Tỷ lệ ước tính là 102% GDP – cao nhất kể từ năm 1946.
Thâm hụt trên GDP ước tính cho tài khóa 2020 cũng cao gấp 3 năm ngoái và là cao nhất kể từ sau Thế chiến II. Lý do cho sự tăng vọt này rất đơn giản. Đầu năm nay, chính phủ Mỹ đã chi hơn 4.000 tỷ USD để xoa dịu tác động kinh tế của lệnh phong tỏa với người lao động và doanh nghiệp. Phần lớn người dân cũng đồng tình rằng Mỹ cần chi thêm nữa để kiểm soát cuộc khủng hoảng này.
Kể cả những người quan tâm nhất đến thâm hụt ngân sách cũng đang thúc giục Washington và Nhà Trắng thông qua gói cứu trợ nữa trị giá hàng nghìn tỷ USD. "Ngân sách liên bang đang trong tình trạng không bền vững. Việc này đã diễn ra vài lần rồi", Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuần này phát biểu, "Nhưng giờ không phải lúc ưu tiên cho lo ngại này".
Dù vậy, khi Mỹ thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe này, người Mỹ sẽ phải gánh khoản nợ khổng lồ. "Khối nợ đã lớn bằng quy mô nền kinh tế và sẽ sớm lập kỷ lục thôi", Maya MacGuineas – Chủ tịch CRFB cho biết. Mức nợ cao sẽ ngày càng kiềm chế khả năng của chính phủ trong việc đáp ứng các nhu cầu của đất nước.
Trong khi đó, chi tiêu được dự báo tiếp tục tăng cao và vượt xa nguồn thu. Chỉ riêng việc trả lãi cho các khoản nợ này, dù lãi thấp, cũng là tiêu tốn ngân sách. Khi tương lai còn nhiều bất ổn, tốc độ tăng nợ vượt tốc độ tăng GDP có thể đẩy Mỹ vào khủng hoảng tài khóa, khiến các dịch vụ và quyền lợi của người Mỹ bị cắt giảm.
Hà Thu (theo CNN)