Một tối năm 1998, Adams trốn khỏi nhà để đi chơi tiệc với hai người bạn. Ba tuần sau, ba thiếu niên này bị một cô gái tại bữa tiệc cáo buộc hiếp dâm và bị khởi tố về tội Tấn công tình dục tại hạt Jefferson, bang Wisconsin.
Adams và một người bạn được tòa phân cho luật sư bào chữa công, người còn lại thuê luật sư riêng. Cả ba sau đó cùng bị đưa ra xét xử nhưng phiên tòa đầu tiên bị hủy do sai phạm của công tố viên.
Tại phiên tòa lần hai, cả hai luật sư công của Adam và bạn đều dùng chiến thuật không bào chữa và không gọi nhân chứng vì cho rằng cơ quan công tố chưa hoàn thành nghĩa vụ chứng minh. Tuy nhiên, dựa chủ yếu vào lời khai hay thay đổi của người tố cáo, bồi thẩm đoàn toàn kết tội hai bị cáo vào tháng 2/2000. Adam và bạn lần lượt lãnh án 28 năm tù và 20 năm tù.
Người còn lại trong nhóm khi hầu tòa đã được luật sư riêng gọi nhân chứng có lời khai mâu thuẫn với lời khai của người tố cáo. Lời khai mới này khiến bồi thẩm đoàn không thể thống nhất kết tội. Mọi cáo buộc với người này bị hủy.
Ở tuổi 19, Adams trở thành một trong những phạm nhân trẻ tuổi nhất trong nhà tù an ninh tối đa, nơi anh chấp hành án. Khi đã ngồi tù được một năm 6 tháng, cuộc sống của Adams bỗng có bước ngoặt sau một lần nói chuyện với bạn tù.
Người bạn tù lớn tuổi chỉ ra rằng Adams nói mình vô tội nhưng ngày nào cũng chơi cờ hoặc chơi bóng rổ, trong khi người vô tội không làm như vậy mà sẽ ngồi tại thư viện luật. Những lời này khiến Adams như bừng tỉnh.
Từ sau hôm đó, anh bắt đầu đọc mọi tài liệu tại thư viện luật trong nhà tù để hiểu rõ tại sao công tác bào chữa của mình thất bại. "Ước gì tôi đã thuộc lòng từng từ trong Hiến pháp trước khi bước vào đồn cảnh sát, nhưng thực tế lại không như vậy", Adams nói.
Trong quá trình đọc tài liệu, Adams phát hiện ra rằng việc luật sư công không tìm và gọi nhân chứng ra tòa là vi phạm quyền lợi hợp pháp của mình. "Theo Hiến pháp, mỗi người đều được quyền có người bào chữa hiệu quả", Adams nói.
Adams cũng thường đọc báo trong tù để biết được luật sư nào đang tố tụng tại bang Wisconsin. Nếu vụ án trên báo có thể giúp vụ án của mình, Adams sẽ viết thư cho luật sư phụ trách với hy vọng được hồi âm. Cuối cùng, anh nhận được thư phản hồi của một luật sư tại thành phố Milwaukee. Trong 6 tháng, Adams cùng với luật sư soạn đơn kháng cáo.
Vào năm 2006, với sự trợ giúp của Dự án Vô tội, tổ chức phi chính phủ chuyên hoạt động để giải oan cho người vô tội, bản án của Adams bị lật ngược với căn cứ luật sư bào chữa không hiệu quả. Tháng 2/2007, sau gần một thập kỷ bị giam giữ, Adams trở lại tòa án bang Wisconsin để được công tố viên hủy mọi cáo trạng.
Chỉ chưa đầy 10 phút, yêu cầu hủy cáo trạng của công tố viên được thẩm phán chấp nhận. Nhưng trong ký ức của Adams, nữ thẩm phán không một lần nhìn thẳng vào mắt anh. Bước ra khỏi phòng xử án, Adams thầm nghĩ "bây giờ bà có thể không nhìn vào tôi, nhưng bà sẽ phải gặp tôi cho tới suốt đời".
Adams đã giữ lời hứa này với chính mình. Tháng 5/2007, chỉ ba tháng sau khi được tự do, anh quay trở lại việc học, sau đó nhận bằng liên kết tại trường cao đẳng cộng đồng của địa phương.
Adams tự kiếm tiền để theo học Đại học Roosevelt tại thành phố Chicago và tốt nghiệp với bằng cử nhân ngành tư pháp hình sự. Không dừng lại, vào tháng 5/2015, anh tiếp tục tốt nghiệp trường luật thuộc Đại học Loyola Chicago. "Trường luật của Đại học Loyola Chicago là nơi tôi tốt nghiệp, nhưng thực tế tôi đã bắt đầu học luật tại nhà tù của Bộ Cải huấn bang Wisconsin", Adams nói.
Ít lâu sau, Adams được chính Dự án Vô tội nhận vào làm việc và sau đó mở hãng luật riêng. Tháng 1 vừa qua, Adams chính thức được nhận vào đoàn luật sư bang Wisconsin. Hiện, anh dùng kiến thức và khả năng pháp lý để đảm bảo những người khác không phải chịu số phận như mình.
Theo Adams, hệ thống tư pháp hình sự sẽ trở nên tốt hơn khi càng nhiều người da đen trở thành thẩm phán, công tố viên, luật sư... Những người này am hiểu và mạnh mẽ sẽ giúp thay đổi định kiến mà họ luôn phải gánh chịu. "Tôi hy vọng rằng câu chuyện của mình sẽ góp sức cho phong trào ấy", Adam nói.
Quốc Đạt (Theo CNN)