Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp ngày càng chú trọng phát triển bền vững, bình đẳng giới trở thành động lực tăng trưởng kinh tế và xã hội. Công ty TNHH Olam Việt Nam (Ofi Việt Nam) kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, lấy bình đẳng giới làm một trong những trọng tâm chiến lược.
Nhờ đó, doanh nghiệp được vinh danh tại giải thưởng Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (WEPs) của Tổ chức Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women) và Top 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 do Anphabe bình chọn.
Quan tâm bình đẳng giới
Bình đẳng giới không chỉ dừng ở chính sách mà cần những chương trình hành động thiết thực. Tại Ofi Việt Nam, chiến lược này được triển khai từ môi trường làm việc đến cộng đồng. Doanh nghiệp đã và đang xây dựng môi trường đa dạng, đầu tư vào đào tạo, phát triển lãnh đạo nữ và thúc đẩy cơ hội bình đẳng và trao quyền.
Các sáng kiến tiêu biểu như chương trình hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc (Ofi Care) hay học bổng hỗ trợ phát triển giáo dục (Ofi YES!) - giúp đỡ con em lao động nữ về chi phí và dụng cụ học tập. Theo đánh giá, những hoạt động này đã tạo ra thay đổi tích cực, giúp phụ nữ an tâm làm việc và phát triển sự nghiệp.

Lao động nữ đang làm việc tại Ofi Việt Nam. Ảnh: Ofi Việt Nam
Doanh nghiệp còn mở rộng tác động đến cộng đồng và nông dân, đặc biệt là nhóm hộ nông dân do nữ làm chủ - những người đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng nông nghiệp nhưng thường gặp nhiều khó khăn.
Với hơn 3.790 hộ nông dân do nữ làm chủ được hỗ trợ trong trồng cà phê, tiêu, quế, điều, doanh nghiệp đã góp phần cải thiện đời sống cho hàng nghìn gia đình. Các chương trình đào tạo về canh tác nông nghiệp tái tạo, dựa trên cơ sở dữ liệu vừa tăng năng suất theo hướng phát triển bền vững vừa tạo cơ hội nâng cao thu nhập cho phụ nữ.

Doanh nghiệp trao học bổng cho con em lao động nữ. Ảnh: Ofi Việt Nam
Chiến lược phát triển bền vững
Trong năm 2024, tập đoàn Ofi đã công bố chiến lược phát triển bền vững toàn cầu mang tên "Lựa chọn thay đổi tích cực - Choices for Change". Chiến lược này hướng đến việc tạo ra giá trị tích cực cho cộng đồng và môi trường, với bốn trụ cột chính: phát triển nông nghiệp thịnh vượng, phát triển cộng đồng, chống biến đổi khí hậu và tái định hình cuộc sống.
Trước tiên, doanh nghiệp tập trung vào phát triển nông nghiệp, nâng cao chất lượng đời sống cho nông dân - những người đóng vai trò cốt lõi trong chuỗi cung ứng. Công ty đã đào tạo và tập huấn cho hơn 12.000 nông dân về kỹ thuật canh tác nông nghiệp và nâng cao năng suất, giúp cải thiện thu nhập và tạo ra nguồn nguyên liệu bền vững.

Ofi Việt Nam hỗ trợ cây giống cho nông dân. Ảnh: Ofi Việt Nam
Đặc biệt, với 73.600 cây điều và cà phê giống được trao tặng cho nông dân trong giai đoạn 2022 - 2023, doanh nghiệp đã góp phần giúp ngành hạt điều và cà phê Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất.
Song song đó, phát triển cộng đồng là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược "Lựa chọn thay đổi tích cực". Đơn vị đã tài trợ hơn 1.6 tỉ đồng để hỗ trợ học phí cho 487 học sinh các cấp trong giai đoạn 2022-2023. Các chương trình hiến máu nhân đạo và tập huấn về sức khỏe và dinh dưỡng cho người lao động đã mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng, thể hiện trách nhiệm xã hội.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng sâu rộng đến ngành nông nghiệp, Ofi Việt Nam đã góp phần hỗ trợ nông dân áp dụng các mô hình canh tác bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động đến môi trường. Với người lao động, doanh nghiệp đưa ra đãi ngộ tốt, kiến tạo môi trường làm việc bình đẳng, an toàn.

Chương trình "Ngày hội nông dân" của Ofi Việt Nam diễn ra vào năm 2023. Ảnh: Ofi Việt Nam
Ông Amith Verma, Chủ tịch vùng Đông Nam Á, Trung Quốc và châu Đại Dương của Ofi cho biết giải thưởng WEPs và Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024 là khẳng định cho những cam kết và năng lực của doanh nghiệp. "Với chiến lược phát triển bền vững, chúng tôi tin rằng mỗi nhân viên đều có thể thúc đẩy sự thay đổi tích cực", ông Amith Verma nói.
Trong khi đó, bà Ruchi Tenani, Giám đốc Nhân sự cấp Cao vùng Đông Nam Á, Trung Quốc và châu Đại Dương nhấn mạnh vào chiến lược nhân sự ở quy mô khu vực lẫn quốc gia. Các chiến lược này đều tập trung vào những chương trình hành động về bình đẳng giới và và xây dựng văn hóa doanh nghiệp hòa nhập hơn, cùng với sự cam kết mạnh mẽ từ ban lãnh đạo.
Doanh nghiệp cũng cam kết thực hiện mục tiêu này trong từng hành động thực tiễn, nhằm hướng đến tương lai bền vững và bình đẳng.
WEPs Awards là sự kiện thường niên do Cơ quan Liên Hiệp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ cùng Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam tổ chức. Giải thưởng đã nhiều năm hỗ trợ các hoạt động bình đẳng giới tại Việt Nam và các hoạt động của UN Women.
(Nguồn: Ofi Việt Nam)