Sau vụ tai nạn, Muniba Mazari (hiện 33 tuổi) bị đa chấn thương, tay chân không còn khả năng hoạt động. Điều khiến cô đau đớn nhất là bị mất khả năng sinh con. Đó là vào năm 2006, hai năm sau khi cô cưới chồng.
Không đầu hàng số phận, đến năm 2015, Muniba được BBC bình chọn vào danh sách 100 người phụ nữ xuất sắc và có ảnh hưởng đáng kể nhất thế giới. Năm 2016, cô cũng là một trong 30 nhân vật xuất sắc trong danh sách '30 under 30' của tạp chí Forbes (người dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng trên thế giới).
Muniba sinh ra trong một gia đình bảo thủ sinh sống ở Baloch, một tỉnh thuộc phía tây của Pakistan. Ở đó, những cô con gái ngoan không bao giờ nói "không" với bố mẹ. Khi bố muốn Muniba kết hôn, cô gái 18 tuổi chỉ nói "Nếu điều đó làm bố vui thì con sẽ làm vậy".
Cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ. Sau tai nạn, chồng của cô nói muốn ly hôn, đây cũng là điều mà cô luôn lo sợ. Nhưng cô đã đồng ý để chồng có hạnh phúc mới. Hai tháng rưỡi ở bệnh viện, cô đã ở bờ vực của sự tuyệt vọng. Có lần hiếm hoi, bố mẹ đến động viên, cô hít một hơi thật sâu "Con không sao".
Một ngày, cô nhờ anh trai về nhà lấy màu và vải để vẽ. Lúc đó, cô nghĩ mình sắp chết, tay không thể nhấc cọ lên, hơi thở yếu dần. Nhưng sau khi hoàn thành bức tranh vẽ về một cánh đồng, cô bỗng nhiên tươi tắn hơn. Mọi người trong bệnh viện nhìn bức tranh của cô và khen ngợi. Cô chợt nghĩ: "Mình cần phải sống".
Thế nhưng khi trở lại với cuộc sống trên xe lăn, cô nhận ra sự kỳ thị của người xung quanh là không hề nhỏ. Cô không kiếm được công việc cho mình. Từ đó, cô vẽ nhiều hơn, những tác phẩm của cô nhanh chóng nổi tiếng. Tranh của cô không thẳng thớm vì bàn tay yếu và run, nhưng có cảm xúc rất mãnh liệt.
Theo thời gian, Muniba có tiếng nói hơn trong cộng đồng khi xuất hiện nhiều trên truyền thông. Hiện tại, cô là Đại sứ thiện chí toàn cầu cho Liên hiệp Hội phụ nữ Pakistan.
"Trước những thử thách của cuộc đời, người ta có thể sợ, có thể khóc, nhưng không bao giờ nên lựa chọn buông xuôi hay từ bỏ", Muniba nói.
Trọng Nghĩa (Theo Goalcast)