Khó khăn ở đầu ra, quy trình sản xuất, kiểm soát chất lượng... là những rào cản khiến ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước chưa thực sự lớn mạnh như kỳ vọng của các hãng xe. Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này còn vấp phải sự cạnh tranh từ các nhà cung cấp nước ngoài, vốn có lịch sử lâu đời và nền tảng quản lý chuyên nghiệp.
Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995 và lắp ráp chiếc xe đầu tiên vào tháng 8/1996, Toyota là một trong những hãng đi đầu trong hoạt động nội địa hóa. Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 60, trong đó có 13 nhà cung cấp thuần Việt, tổng sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 loại.
Đại diện Toyota Việt Nam đánh giá, để đáp ứng nguồn cung xe cho thị trường với các mẫu lắp ráp trong nước, việc tối ưu nhà cung cấp nội địa là ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, khi mạng lưới công nghiệp hỗ trợ nội địa phát triển sẽ mang tới nhiều lợi ích cho ngân sách địa phương và giải quyết bài toán việc làm.
Một trong những hoạt động đáng chú ý nhất mà Toyota Việt Nam triển khai là dự án hợp tác cùng Cục Công nghiệp - Bộ Công thương để hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, dự án có mục đích nâng cao năng lực, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp hỗ trợ với các nhà lắp ráp, sản xuất ôtô.
Triển khai từ năm 2020 đến nay, Toyota đã mang những kinh nghiệm như quản lý hiệu quả sản xuất, tồn kho, quy trình, cải tiến... chia sẻ với các nhà cung cấp trong nước, vốn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đang gặp nhiều khó khăn trong vận hành.
Ngoài việc hợp tác với Bộ Công thương, năm ngoái hãng xe Nhật Bản cũng triển khai dự án mới cùng Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), nhằm tăng các hoạt động nâng cao năng lực, liên kết các doanh nghiệp hỗ trợ với các nhà lắp ráp ôtô. Trong quá trình triển khai dự án này, các bên đã sàng lọc, lập danh sách các nhà cung ứng tiềm năng để kết nối với các hãng lắp ráp trong nước.
Toyota cũng cử các chuyên gia hàng đầu, hỗ trợ các doanh nghiệp cải tiến phương pháp quản trị sản xuất, thúc đẩy phong trào 5S và "Kaizen" trong doanh nghiệp.
Với dự án lần này, Toyota cùng Cục Công nghiệp hỗ trợ trực tiếp cho 7 nhà cung cấp. 6 doanh nghiệp còn lại được hỗ trợ theo chương trình hợp tác với Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Dự án đã giúp các doanh nghiệp đạt kết quả tích cực về giảm diện tích tồn kho, tăng dòng chảy sản phẩm và tăng năng suất lao động.
Những doanh nghiệp trước đây được Toyota hỗ trợ, nay tiếp tục đồng hành cùng hãng để tư vấn cho các doanh nghiệp khác. Cụ thể, công ty Cổ phần công nghiệp Kim Sen và Công ty TNHH một thành viên Cao su 75 đóng vai trò tư vấn, chia sẻ kiến thức cho các doanh nghiệp, cùng thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành.
Sau 6 tháng triển khai, dự án này được hãng Nhật đánh giá thành công, khi giúp 13 doanh nghiệp nâng cấp hoạt động cải tiến 5S, an toàn lao động và Kaizen trong nhiều lĩnh vực. Báo cáo của Toyota Việt Nam cho thấy, các doanh nghiệp đã giảm được 103 nhân sự, giảm 5.772 m2 diện tích nhà xưởng, năng suất lao động tăng 80%, giảm 62% hàng tồn kho, loại bỏ 109,14 tấn đồ vật không cần thiết.
Với kết quả này, Ông Cao Văn Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, thuộc Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương, đánh giá cao những nỗ lực của của Toyota Việt Nam, kỳ vọng hãng sẽ tiếp tục đồng hành để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.
"Từ kết quả của dự án, Toyota Việt Nam có thể tiếp tục đồng hành, hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp cung cấp thuần Việt cải tiến hoạt động, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ôtô trong thời gian tới", ông Ugi Hitoshi, Giám đốc Khối Nội địa hóa Toyota Việt Nam cho biết.
Sau 4 năm triển khai, Toyota đã tổ chức các khóa đào tạo cho hơn 160 nhà cung cấp mới, tuyển dụng thêm một số doanh nghiệp cung cấp và cân nhắc 20 nhà cung ứng tiềm năng.
Việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt giúp Toyota mở rộng mạng lưới nhà cung cấp, tăng tỷ lệ nội địa hóa. Mặt khác, dự án cũng giúp các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước tăng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm và quản lý doanh nghiệp. Đây là những yếu tố quan trọng hàng đầu, thúc đẩy sự lớn mạnh của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam.
Quang Anh
Ảnh: Toyota Việt Nam