Anh 49 tuổi, Việt kiều Mỹ. Chị kém chồng 7 tuổi và là nhân viên ngân hàng. 5 năm trước qua giới thiệu của bạn bè anh chị gặp nhau rồi tiến tới hôn nhân. Đám cưới xong anh về Mỹ sinh sống. Thời gian đầu hai vợ chồng vẫn giữ liên lạc qua email, điện thoại.
Từ tháng 8 đến tháng 9/2014, anh chị về sống với nhau tại quận 9 thì phát sinh mâu thuẫn. Anh cho rằng vợ không quan tâm tới gia đình, không tôn trọng chồng khi xưng hô và có những lời lẽ xúc phạm. Tuy họ vẫn sống chung nhà nhưng không gẫn gũi, nói chuyện.
Cho rằng tình cảm không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, cuối năm ngoái anh làm đơn ly hôn. Cả hai không có con và tài sản chung nên không cần giải quyết.
Hồi tháng 6, TAND TP HCM mở phiên sơ thẩm xem xét yêu cầu của anh. Tại tòa chị trình bày, vì chồng là Việt kiều, mỗi năm về nước chỉ 2-3 tháng. Lấy nhau 4 năm nhưng thời gian chung sống không được bao lâu nên cả hai chưa thực sự hiểu nhau. Chuyện vợ chồng xảy ra mâu thuẫn là điều không tránh khỏi.
Thời điểm cuối năm 2013, chị bị gãy xương đùi, tâm trạng buồn bực làm ảnh hưởng đến cuộc sống vợ chồng. Sau khi nhìn nhận lại chị thấy mình là người có lỗi, cố gắng thay đổi thì anh một mực đòi ly hôn. Chị bảo vẫn còn thương chồng, cần thời gian đề hàn gắn tình cảm.
Sau khi nghe các bên trình bày, HĐXX nhận thấy anh chị sống chung với nhau mới hơn một năm, chưa có điều kiện quan tâm chăc sóc và chia sẻ những công việc trong gia đình. Mâu thuẫn vợ chồng mới phát sinh, chưa đến mức nghiêm trọng. Chỉ vì tự ái khi chị thách thức mà anh làm đơn ly hôn. Từ đó, HĐXX bác yêu cầu của anh, để vợ chồng có thời gian và điều kiện thực hiện nghĩa vụ tôn trọng, quan tâm chăm sóc lẫn nhau.
Không đồng ý với bản án, người chồng làm đơn kháng cáo. Trong phiên phúc thẩm cuối tháng 10 của TAND Cấp cao tại TP HCM, anh vẫn giữ quan điểm. Anh bảo, trước khi lấy nhau họ đã thống nhất có chuyện gì thì tự giải quyết, không được lôi gia đình hai bên vào.
Anh mất mẹ từ nhỏ, được chị gái nuôi dưỡng nên coi chị như mẹ. Nhưng vợ lại có những lời lẽ xúc phạm đến người chị và cả cha anh. Tổn thương này khiến tình cảm vợ chồng của họ không thể hàn gắn, có chăng "chỉ còn là tình người với nhau". Anh yêu cầu toà cho mình được ly hôn, hứa sẽ hỗ trợ chị một khoản vốn để chăm lo cuộc sống sau này.
Nghe anh nói, chị khóc, tha thiết xin toà không chấp nhận yêu cầu của anh. Chị nói mình còn thương chồng, muốn có thời gian để hàn gắn. Chị từng 20 năm làm trong ngân hàng, đã tích góp được số vốn nên không cần tiền của anh.
"Tôi chỉ cần tình cảm, muốn được yêu thương", chị nói và cho biết trước đây công việc ở ngân hàng bận rộn nhưng hiện chị đã nghỉ, mở quán tạp hóa nhỏ để có thời gian chăm sóc gia đình nhiều hơn.
Cuối năm 2013 chị bị tai nạn gãy xương đùi, phải điều trị dài ngày. Tác dụng phụ của thuốc khiến tâm trạng chị luôn buồn bực. Những lúc nóng giận không kiểm soát được chị mới có lời lẽ xúc phạm anh và gia đình. "Em có lỗi, em đã thấy lỗi của mình, em xin anh một lần tha thứ", chị vừa khóc vừa nói.
Trước khi HĐXX vào nghị án, chị luống cuống một lần nữa xin tòa cho chị thêm thời gian để hàn gắn tình cảm vợ chồng...
Cho rằng người vợ còn rất yêu thương chồng, tha thiết được hàn gắn. Người chồng nói vợ không tôn trọng, không thực hiện nghĩa vụ làm vợ nhưng anh không có chứng cứ cho thấy mâu thuẫn đã đến mức trầm trọng. Từ đó toà giữ nguyên bản án. "HĐXX không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, tạo điều kiện để cả hai có thêm thời gian hàn gắn, quan tâm và thực hiện nghĩa vụ với nhau", chủ tọa nhận mạnh.
Phiên xử kết thúc, chị nán lại thật lâu để chờ anh cùng về.
Hải Duyên