Ông Li Xiaoping là chủ một cơ sở sản xuất khuôn làm đồ nhựa ở thành phố Tế Nam thuộc tỉnh Sơn Đông, phía đông bắc Trung Quốc. Đứng giữa khu nhà máy im lìm, ông Li cho biết đã phải đóng cửa nhà máy khi nhà chức trách địa phương đe dọa sẽ cắt điện vì cơ sở của ông không đáp ứng các quy định về môi trường.
Những lò luyện kim nguội lạnh, các nhà máy sản xuất tối đen không ánh đèn, lao động nhập cư buộc phải trở về quê nhà. Bắc Kinh đang siết chặt quản lý môi trường tại các khu công nghiệp trên cả nước để cải thiện chất lượng không khí trước thềm Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19, sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm ở nước này, Bloomberg ngày 16/10 đưa tin.
Tế Nam được mệnh danh là trung tâm sản xuất thép của Trung Quốc. Trước kia, hàng nghìn nhà máy công nghiệp ở đây được ví là động lực góp phần đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới với tốc độ tăng trưởng đạt gần 10% mỗi năm trong suốt 10 năm qua. Tuy nhiên, giờ đây hơn 7.000 doanh nghiệp ở Tế Nam đang bị gắn mác "gây ô nhiễm và lộn xộn" và nằm trong tầm ngắm của cơ quan quản lý môi trường.
"Ô nhiễm môi trường ở Trung Quốc đã trở thành một vấn đề xã hội nghiêm trọng và những hậu quả của nó là thách thức chính trị lớn đối với tầng lớp lãnh đạo", chuyên gia Jane Nakano và Hong Yang của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Mỹ khẳng định.
Trước thềm Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 khai mạc vào ngày 18/10, cải thiện môi trường sống được coi là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của giới lãnh đạo Trung Quốc. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường không thể làm ngơ trước nỗi bức xúc của người dân về tình trạng ô nhiễm không khí.
Thống kê cho thấy vào năm 2013, số lượng các vụ biểu tình do bức xúc về ô nhiễm môi trường là 712 trường hợp, tăng hơn 30% so với năm trước đó. Ông Chen Jiping, thành viên ủy ban các vấn đề chính trị và luật pháp của đảng Cộng sản Trung Quốc, thừa nhận "vấn đề môi trường là nguyên nhân của những 'sự cố lớn' xảy ra ở Trung Quốc".
"Lần cuối cùng chúng ta chứng kiến nỗ lực cắt giảm sản xuất tương tự là vào cuối thế kỷ trước khi Thủ tướng Chu Dung Cơ quyết tâm đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ", Tao Dong, quan chức cấp cao của ngân hàng tư nhân Credit Suisse, nhận định. "Tác động ngắn hạn lên tăng trưởng kinh tế và việc làm là không thể tránh khỏi nhưng hiện nay khó mà định lượng cụ thể những tác động đó. Tất cả phụ thuộc vào thực tế rằng liệu các nhà máy còn tiếp tục đóng cửa sau Đại hội đảng hay không".
Không chỉ hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ mà cả những tập đoàn kinh tế nhà nước cũng chịu ảnh hưởng từ chiến dịch làm sạch môi trường này của Bắc Kinh. Nhà máy thép Tế Nam, một công ty con của tập đoàn sắt thép Sơn Đông, với khoảng 20.000 nhân công, đã dừng hoạt động từ tháng 7. Trong một chuyến thăm nhà máy vào tháng 4, Thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết chính phủ sẽ đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân trong thời gian ngừng sản xuất.
"Chính phủ Trung Quốc đã và đang rất nghiêm túc giải quyết vấn đề ô nhiễm. Đây sẽ là mục tiêu trước mắt cho ban lãnh đạo hiện nay. Hy sinh tăng trưởng kinh tế để duy trì sự ổn định xã hội trong trung hạn", chuyên gia kinh tế Yao Wei của ngân hàng Societe Generale viết về động thái của Trung Quốc cắt giảm hoạt động sản xuất công nghiệp để giảm khí thải.
Theo chuyên gia này, Bắc Kinh có thể chấp nhận mức tăng trưởng dưới 6,5% từ năm 2018 đến năm 2020. Nhiều nhà kinh tế dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại còn 6,4% vào năm tới và 6,1% vào năm 2019.
"Hiện nay nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn đà tăng trưởng, chính sách tiền tệ vẫn còn đang được nới lỏng trước Đại hội đảng lần thứ 19", theo ông Shen Jianguang, chuyên gia của công ty chứng khoán Mizuho có trụ sở tại Hong Kong. "Nhưng đây không phải là cách bền vững. Các biện pháp để giảm thiểu tác động lên tăng trưởng kinh tế sẽ được đưa ra sau đại hội", ông Shen dự đoán.
Tỉnh Sơn Đông là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm. Tại một ngôi làng ở ngoại thành, nơi vốn là trung tâm tái chế lốp xe, hàng chồng lốp xe cao tới hai tầng nhà nằm chỏng chơ trước các xưởng sản xuất đóng cửa im lìm.
Liu Shuhua, chủ một cửa hàng tạp hóa ngoài rìa làng, cho biết doanh thu bán thuốc lá, rượu, đồ vặt và các vật dụng hàng ngày đã giảm một nửa sau khi công nhân đổ về quê vì không có việc làm. "Việc này chỉ là tạm thời thôi. Sớm hay muộn gì thì các nhà máy cũng sẽ lại hoạt động", anh Liu lạc quan nói.
An Hồng