![Số lượng tê giác đen Đông Phi chỉ còn dưới 1.000 con trên toàn thế giới. Ảnh: Flickr.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/06/25/te-giac-den-dong-phi-3140-1561446224.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IgU_RiHaV233Q2EFIB-7fA)
Số lượng tê giác đen Đông Phi chỉ còn dưới 1.000 con trên toàn thế giới. Ảnh: Flickr.
Năm con tê giác đen Đông Phi cực kỳ nguy cấp từ các công viên động vật hoang dã ở châu Âu hôm 24/6 đã được chuyển tới môi trường sống tốt hơn tại Vườn Quốc gia Akagera ở Rwanda, trong một nỗ lực nhằm phục hồi quần thể loài. Các con vật, gồm hai đực và ba cái, được thả tại một vùng thảo nguyên khép kín, nơi chúng được theo dõi và bảo vệ khỏi những kẻ săn trộm.
Tê giác đen Đông Phi đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng với số lượng chỉ còn dưới 1.000 con trên toàn thế giới, theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế. Chúng từng sinh sống trên các thảo nguyên ở Rwanda nhưng đã hoàn toàn biến mất vào năm 2007 do nạn săn bắn.
Loài tê giác quý hiếm này được giới thiệu trở lại tự nhiên ở Rwanda vào năm 2017 sau khi Nam Phi tặng 17 con cho Vườn Quốc gia Akagera. Nhờ các nỗ lực bảo tồn, số lượng đã tăng lên 20 con. Jes Gruner, quản lý Vườn Quốc gia Akagera cho biết những cá thể tê giác mới sẽ làm tăng sự đa dạng di truyền, góp phần phục hồi quần thể loài ở Rwanda.
Các loài tê giác châu Phi trong những năm qua chịu áp lực rất lớn từ nạn săn trộm do nhu cầu tiêu thụ sừng ở các thị trường bất hợp pháp, chủ yếu là Trung Quốc. Sừng tê giác được sử dụng trong y học cổ truyền và làm đồ trang sức.
Đoàn Dương (Theo New York Times)