Ngày 21/7, tiếng hai con gái 8 tháng tuổi vui cười ê a hóng chuyện khiến cuộc sống gia đình chị Minh luôn rộn ràng. Trải qua những tháng ngày ròng rã khắp các bệnh viện điều trị hiếm muộn, vợ chồng chị nhiều lúc không dám nghĩ sẽ có được quả ngọt là hai cô con gái kháu khỉnh, đáng yêu như hiện tại.
Vợ chồng chị Minh cưới nhau năm 2020, khi chị 27 tuổi. Khám sức khỏe định kỳ ngay sau đó, bác sĩ phát hiện buồng trứng chị có vấn đề, song chưa triệu chứng nên khuyên theo dõi thêm. Không lâu sau, chị đau bất thường, bác sĩ kết luận do u nang buồng trứng ảnh hưởng, uống thuốc nếu thuyên giảm thì sau 6 tháng có thể "thả bầu".
Mãi không thể có con tự nhiên, gia đình cũng có người hiếm muộn không rõ nguyên nhân, vợ chồng chị Minh từ Bình Dương đến bệnh viện tại TP HCM kiểm tra. Bác sĩ chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
"Tôi bị sốc. Bác sĩ bảo nếu muốn có con thì không còn lựa chọn nào khác. Ban đầu tôi cứ nghĩ buồng trứng có vấn đề, hơi khó nhưng rồi sẽ có con tự nhiên", chị nói.
Hai vợ chồng gom góp tiền bạc, bắt đầu tiêm thuốc kích thích buồng trứng, chọc hút trứng. Mọi việc diễn ra thuận lợi, bác sĩ tạo được 4 phôi, khiến chị ôm ấp nhiều hy vọng trong lần chuyển phôi đầu tiên. Tuy nhiên, kết quả thất bại. Bác sĩ chụp kiểm tra ống dẫn trứng, ghi nhận ứ dịch vòi trứng mức độ nặng, cần mổ nội soi bóc u lạc nội mạc buồng trứng trái, cắt ống dẫn trứng trái và bóc u bì buồng trứng phải.
Tình trạng ổn định, chị tìm đến một bác sĩ khác để "đổi vía" chuyển phôi lần hai, song vẫn không thành công. Lần chuyển phôi thứ ba thất bại cũng là lúc Covid-19 bùng phát mạnh, chị tham gia chống dịch cùng đội ngũ nhân viên y tế, hoãn việc cố gắng có con.
Lần thứ tư, chị quay lại trung tâm IVF bệnh viện ban đầu để chuyển phôi trữ cuối cùng. Bác sĩ cho biết phôi cuối không tốt như những phôi đầu nên có thể không nhiều khả năng thành công. Dù đã chuẩn bị tâm lý trước nhưng chị vẫn choáng váng khi thất bại ở lần chuyển phôi cuối.
"Lần thứ tư này mình đã thả lỏng tâm lý, không hồi hộp như những lần đầu nhưng vẫn không được như mong muốn. Dù ngoài mặt tỏ ra không sao nhưng trong lòng rất buồn", chị Minh nói. Vợ chồng chị dự định chọc trứng lại lần hai, lần ba, nếu không được có khi phải nhờ đến mang thai hộ.
Trên thực tế, phôi trữ của chị đã hết, nếu kích trứng trở lại cần nghỉ ngơi một thời gian. Một phần, sau nhiều lần theo đuổi ước mơ tìm con, điều kiện kinh tế gia đình đã eo hẹp. Cùng thời điểm đó, chị biết đến chương trình Ươm mầm hạnh phúc của hệ thống Bệnh viện Mỹ Đức. Đây là chương trình thường niên, thụ tinh ống nghiệm miễn phí cho bệnh nhân có kinh tế khó khăn. Riêng năm 2021, bệnh viện dành riêng 60 suất cho nhân viên y tế để tri ân tuyến đầu chống dịch.
May mắn, hồ sơ của chị được chọn. Chị làm việc, sinh sống tại Bình Dương nên đơn vị IVFMD Bệnh viện Phương Chi tiếp nhận điều trị. Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng Đơn vị IVFMD Bình Dương, 32 tuổi, tư vấn và điều trị chính cho chị. "Bác sĩ còn trẻ quá, bệnh viện lại mới, khiến tôi khá lo ngại", chị Minh chia sẻ.
Bác sĩ Dung đánh giá trường hợp chị Minh khó khi đã trải qua một lần IVF với 4 lần chuyển phôi thất bại trên nền bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đây thường là một nguyên nhân khó cho các bác sĩ hiếm muộn, tiên lượng khả năng thành công không cao. Thêm vào đó, bệnh nhân có đáp ứng buồng trứng kém nên khi chọc hút chỉ được 6 trứng, phát triển được hai phôi và có cơ hội một lần chuyển phôi duy nhất. Điều này tạo áp lực không chỉ cho bệnh nhân mà cả các bác sĩ.
Thời điểm này gần Tết Nguyên đán, vợ chồng chị về quê thăm gia đình, họ hàng để tâm lý thoải mái nhất, chờ qua Tết chuyển phôi. Chị cũng đi chơi, tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, tinh thần vui vẻ, "không dám hy vọng nhiều vì biết trường hợp của mình khó và có ít phôi". Để có thời gian nghỉ ngơi, chị tạm nghỉ việc ở nhà. Chưa đến một tuần sau chuyển phôi, chị mua que thử thai tại nhà, kết quả hai vạch dù mờ, không rõ ràng cũng khiến chị hy vọng rất nhiều. Khi vạch hiện đậm hơn ở những lần thử sau, chị càng mừng hơn. Cuối cùng, sau hai tuần, kết quả xét nghiệm máu ghi nhận đậu thai, chị vỡ òa.
"Thường bệnh nhân làm IVF từng thất bại thì tâm trạng rất lo lắng nhưng điều chúng tôi ấn tượng ở bệnh nhân là sự mạnh mẽ và rất kiên trì cố gắng, giữ được tinh thần lạc quan", bác sĩ Dung nói.
Thử thách vẫn không ngừng đeo bám khi ba tháng đầu thai kỳ, chị ra huyết và siêu âm thấy tụ dịch bánh nhau, nguy cơ sẩy thai bất kể lúc nào. Dù lo lắng nhưng chị vẫn giữ lạc quan dưỡng thai, bởi "em bé có ở lại với mình được không còn là cái duyên". Chị còn mắc Covid, ho rất nhiều. Chưa kể, chị có vấn đề về tim mạch, bị nhịp tim nhanh nên khi mang thai, huyết áp dễ tăng cao nhưng lại không thể dùng thuốc. May mắn suốt thai kỳ, huyết áp vẫn trong mức có thể kiểm soát.
Khi mang thai đến tuần 34, chị có dấu hiệu dọa sinh non, phải vào bệnh viện. Làm thủ tục xong thì tình trạng thai nhi ổn định, bác sĩ khuyên cố gắng giữ tiếp. Đến tuần thứ 37, bác sĩ mổ sinh giúp hai bé gái chào đời khỏe mạnh, ổn định, song chị lại bị tiền sản giật và nguy cơ tái phát đái tháo đường thai kỳ, phải tách ra chăm sóc riêng, không thể ở cạnh con. Vượt nhiều sóng gió, chị và hai con khỏe mạnh xuất viện về nhà. Điều khiến chị thêm vui là cả 5 trường hợp trong chương trình thực hiện tại IVFMD Bình Dương - Bệnh viện Phương Chi cùng lúc với chị đều thành công.
Bác sĩ Dung khuyến cáo phụ nữ có các triệu chứng như đau bụng nhiều trong kỳ kinh nguyệt cần khám và điều trị sớm. Trường hợp mong con, nếu bị lạc nội mạc tử cung trên buồng trứng cần xử trí sớm do tổn thương này thường không đơn độc mà kèm theo các bệnh cảnh khác. Tình trạng sẽ trầm trọng theo thời gian, điều trị sớm sẽ đạt hiệu quả cao.
"Mong những chị em chưa có tin vui đừng vội nản lòng, cứ kiên trì và vững niềm tin chữa trị rồi may mắn sẽ mỉm cười", bà mẹ hai con nói.
Lê Phương
* Tên bệnh nhân đã được thay đổi.