Trong lúc phong trào #MeToo chống quấy rối tình dục và anti-molka chống camera quay lén đang tiếp tục bùng nổ, phong trào "Thoát khỏi Coócxê " - một chiến dịch truyền thông xã hội phản đối ám ảnh về tiêu chuẩn ngoại hình bất khả thi cũng đang phát triển mạnh ở Hàn Quốc, theo SCMP.
Mùa hè này, trên Twitter, Instagram và những cộng đồng trực tuyến khác, phụ nữ đã vứt bỏ son môi, mút đánh phấn, thậm chí cắt tóc để chống lại chủ nghĩa coi trọng bề ngoài rất phổ biến ở Hàn Quốc này.
"Tôi từng ghét gương mặt xấu xí của mình. Tôi cực kỳ tự ti, phấn son như là cái mặt nạ tôi đeo suốt ngày", một người dùng Instagram viết dưới ảnh cô phá hủy bộ mỹ phẩm. "Giờ chúng ta không phải trang điểm nữa. Tôi nhận ra chúng ta không cần phải lúc nào cũng xinh đẹp và tôi đã dỡ bỏ lớp mặt nạ từng hủy hoại đời mình".
Lina Bae - một chuyên gia làm đẹp trên YouTube, đã xuất bản một video quá trình trang điểm cùng với những đánh giá của người khác về ngoại hình của mình.
"Da cô chưa đẹp lắm, hãy dùng thêm kem BB. Tôi sẽ tự sát nếu trông như cô ấy", đó là những bình luận về vẻ ngoài của Lina Bae. Tới cuối video, cô đã xóa bỏ lớp son phấn trên mặt.
Một học giả về giới giấu tên ở Harvard đánh giá phong trào Thoát khỏi Coócxê đối mặt với niềm tin cốt lõi về nguyên nhân phụ nữ phải chăm sóc ngoại hình.
"Các nhà nữ quyền cực đoan ở Hàn Quốc bắt đầu phong trào bằng cách cạo đầu, bỏ trang điểm, ăn mặc theo cách cho phép cơ thể thích ứng với nhiều hoạt động linh hoạt hơn", bà nói.
Tại cuộc biểu tình chống camera quay lén tổ chức hồi đầu tháng 10, hàng nghìn phụ nữ đã phản đối tội phạm tình dục quay lén, khiêu dâm, phân biệt giới tính. Nhiều người cũng là thành viên tích cực ủng hộ phong trào Thoát khỏi Coócxê, đã tham dự mà không trang điểm.
Hàn Quốc từ lâu được coi là thánh địa phẫu thuật thẩm mỹ, nơi ước tính cứ ba phụ nữ thì có một người từng phẫu thuật. Người dân sùng bái cái đẹp, đánh giá vẻ đẹp là một phần của thành công của phụ nữ. Đất nước này cũng là quê hương của hiện tượng Vẻ đẹp Hàn Quốc - phong trào làm đẹp đã lan khắp toàn cầu với các xu hướng phổ biến như làn da trắng nhợt nhạt, trong suốt như "thủy tinh" hay môi màu hồng nhũ kim lấp lánh phổ biến sang các vùng lân cận như Trung Quốc và Đông Nam Á.
Ngoài những quảng cáo làm đẹp và phẫu thuật thẩm mỹ, một nét văn hóa coi trọng cái đẹp khác cũng thường xuyên xuất hiện trong các bộ phim truyền hình Hàn Quốc là làm thế nào để xinh đẹp hơn, mà cái kết thường dẫn tới thành công khác trong cuộc sống.
Nhân vật chính của bộ phim truyền hình năm 2018 có tên "ID của tôi là Vẻ đẹp Gangnam" đã chuyển đổi ngoại hình một cách ấn tượng nhờ phẫu thuật thẩm mỹ trước khi vào đại học, và lập tức trở thành một thành viên nổi tiếng trong môi trường mới.
Trong bộ truyện tranh nổi tiếng True Beauty (Vẻ đẹp đích thực), một học sinh trung học đã chuyển đổi ngoại hình thành xinh đẹp tới mức người thân không nhận ra sau khi khai thác các bí quyết trang điểm trên YouTube. Trong một tập khác, một sinh viên đại học đã kể về kinh nghiệm được đồng nghiệp và người lạ đối xử tử tế hơn sau khi phẫu thuật thẩm mỹ.
Tuy đây là những tác phẩm hư cấu, nhưng chúng phản ánh được thực tế mà phụ nữ Hàn Quốc phải đối mặt. Không chỉ phụ nữ trưởng thành, mà cả trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc cũng chịu áp lực về việc phải luôn xinh đẹp. Trong một khảo sát năm 2015 do đài truyền hình địa phương thực hiện, 91,6% trẻ gái ở tuổi đi học cho biết có sử dụng mỹ phẩm, trong khi một bài báo khác của Korea Herald năm 2017 cho hay đa số các em gái từ 10 đến 12 tuổi sở hữu trung bình ba loại mỹ phẩm, chủ yếu là son môi hoặc kem BB.
"Ở Hàn Quốc, tiêu chuẩn ngoại hình nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Thông thường, phụ nữ nên có làn da đẹp, cao từ 1,62 tới 1,68 mét (trên 1,7 mét bị coi là quá cao), nặng dưới 48 kg, mắt to, mũi thon, tóc dài", một chuyên gia về giới ở Hàn Quốc nói.
"Những tiêu chuẩn này rất phổ biến với phái nữ khi áp dụng cho người làm việc bán thời gian, không đòi hỏi nhiều kỹ năng với quan niệm: 'Nếu được một thu ngân xinh đẹp tính tiền, khách hàng sẽ trải nghiệm dịch vụ tốt hơn, đó là lý do chúng tôi thuê các cô gái xinh đẹp'", chuyên gia về giới nhận định.
"Chúng ta nên nhìn nhận phụ nữ đúng với bản chất của họ, hơn là chấp nhận họ khi đã mang trên người lớp son phấn và áo quần hoàn hảo", bà kết luận.