Năm lớp 4, Thái Sơn Linh mắc bệnh viêm màng não do nấm. Bác sĩ nói bệnh này rất khó chữa, nếu sử dụng thuốc Linh có khả năng bị ảnh hưởng đến thị giác. Đứng trước sinh tử của con, ba mẹ chấp nhận đánh đổi.
"Tôi tỉnh dậy sau cơn hôn mê dài hai tháng, mọi thứ đã chìm trong bóng tối", Linh kể về khoảnh khắc không thể quên của đời mình. "Tôi hỏi mẹ sao không mở đèn, bà im lặng một lúc mới trả lời. Lúc đó tôi biết mình không thể nhìn thấy nữa".
Ảnh hưởng của thuốc làm teo dây thần kinh thị giác, Linh ít có khả năng phục hồi. Nhưng muốn con tìm lại ánh sáng, ba mẹ đã đưa đi thăm khám nhiều nơi, ra Hà Nội hai năm để chữa trị, nhưng kết quả vẫn là con số không.

Thái Sơn Linh tại phòng trọ ở quận 4, TP HCM. Ảnh: Tuấn Kim.
Linh học lại lớp một của trường dành cho người khiếm thị. Đầu tiên, anh phải làm quen với các kỹ năng sống, cách sắp xếp đồ, đi đường, sinh hoạt hằng ngày, sau đó mới học các sử dụng chữ nổi Braille.
Năm lớp 6, Linh vào TP HCM học trường phổ thông chuyên biệt dành cho người khiếm thị, hai năm sau chuyển lên Đà Lạt học trường hòa nhập. Năm lớp 12 anh quay lại Sài Gòn để học và chuẩn bị cho con đường định hướng nghề nghiệp.
Anh cho biết, vì nhiều lần đổi chỗ học và học bán trú, cuối tuần mới về nhà, nên từ nhỏ đã hình thành thói quen tự quyết định mọi việc. Lúc anh nói sẽ học ngành luật, cha mẹ chỉ khuyên suy nghĩ thật kỹ bởi người khiếm thị khó có thể đứng ở pháp đình bào chữa. "Biết là sẽ rất khó khăn, song tôi nghĩ người khiếm thị cũng làm được những việc như người sáng mắt. Đó mới là hòa nhập", Linh nói.
Với học bạ loại khá, Linh đậu ngành Luật dân sự Đại học Luật TP HCM. Lúc đầu, anh "choáng" vì cường độ học trên giảng đường, mãi đến năm thứ hai mới bắt được nhịp.
Giáo trình của trường không có trên mạng, không ở dạng chữ Braille, nên anh nhờ bạn cùng lớp đọc, ghi âm gửi cho mình nghe. Nhờ đó, Linh cũng nắm bắt được phần nào bài học, lên lớp tập trung nghe thêm thầy cô giảng. Khi quen, anh tự học, ghi âm lại lời giảng của thầy cô rồi nghe đi nghe lại, xin bài giảng về đọc thêm để hiểu rõ vấn đề hơn. Có những ngày tập trung quá, anh quên cả ăn uống.
Mỗi sáng, Linh dậy sớm bắt xe buýt đến trường. Bạn trong lớp quý mến, muốn chở giúp nhưng anh không nhận lời. "Mọi người đã giúp tôi quá nhiều, không thể cứ phụ thuộc và làm phiền được", Linh nói.
Anh cũng hạn chế một mình đến những nơi đông người như bệnh viện, chợ, siêu thị... vì sợ làm phiền người khác. Có lần đi chợ không ai dẫn đường, anh va vào gánh chè của bà lão, đổ hết. Anh xin lỗi và gửi tiền nhưng bà không nhận, càng áy náy hơn.
Hai tháng trước, cầm tấm bằng tốt nghiệp, Linh đi xin việc. Dòng đầu tiên trong hồ sơ, anh viết mình là người khiếm thị. 30 nơi anh nộp đơn từ chối. "Điều đó giúp tôi học cách chấp nhận, biết mình đang ở đâu. Tôi không buồn và tự nhủ phải cố gắng hơn nữa", Linh nói.
May mắn đến với tân cử nhân luật khi anh được giới thiệu trong buổi lễ kỷ niệm Ngày truyền thống luật sư Việt Nam 10/10, một nữ luật sư là chủ công ty bất động sản đã nhận anh vào vị trí hỗ trợ pháp lý.
Việc học tiếp và hành nghề luật sư sẽ rất chông gai, song Linh tự tin mình vẫn có thể tư vấn cho nhiều người, nhất là người nghèo, người lao động trong xã hội. "Tôi sẽ dùng hết khả năng, kiến thức của mình để đưa ra hướng đi tốt nhất cho khách hàng. Tôi tự tin, mọi yêu cầu của người luật sư tôi đều có", anh nói.

TS Võ Trung Tín (trái) và Thái Sơn Linh trong buổi thi vấn đáp môn Luật môi trường, tháng 6/2019. Ảnh: Đại học Luật TP HCM.
Là bạn thân cùng lớp nhiều năm với Thái Sơn Linh, anh Võ Tuấn Linh không giấu lòng khâm phục về nghị lực của bạn và cho biết thêm: "Anh ấy không thi tập trung như chúng tôi mà thi vấn đáp tất cả các môn. Đây là hình thức đòi hỏi kiến thức phải rất vững".
TS Võ Trung Tín, Trưởng Bộ môn Luật đất đai - Môi trường (Khoa Luật Thương mại) nhận xét, Thái Sơn Linh là người rất chịu khó, có khả năng tư duy và lập luận vấn đề tốt. Anh luôn cho thấy mình muốn được đối xử công bằng như các bạn chứ không cần có sự ưu tiên nào vì là người khiếm thị. Ở hai môn thầy Tín phụ trách, Linh nghiên cứu rất kỹ nội dung và hoàn thành tốt các bài thi.
"Trở thành luật sư với cậu ấy là không dễ dàng, nhưng Linh đáp ứng được yêu cầu của nghề - người có cái đầu lạnh, trái tim nóng và đôi bàn tay sạch. Tôi nghĩ em sẽ thành công", ông Tín nói.
Tuấn Kim