Sau khi bắt cóc hàng trăm phụ nữ và cô gái trẻ ở tỉnh Sinjar, Iraq, vào tháng 8 năm ngoái, nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) giam cầm họ trong chợ nô lệ để các khách hàng nam giới mua về nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục.
Bushra, 21 tuổi, từng chứng kiến cảnh hai bác sĩ kiểm tra xem những cô gái có thai hay không. Những người bị phát hiện mang bầu sẽ bị ép phá thai.
"Một người bạn của tôi đang mang thai ba tháng. Chúng đưa cô ấy vào một căn phòng có hai bác sĩ và họ tiến hành phá thai. Khi chúng đưa cô ấy về, tôi hỏi chuyện gì đã xảy ra và họ làm việc đó như thế nào. Bạn tôi nói rằng bác sĩ dặn cô ấy không được nói với ai", CNN dẫn lời Bushra nhớ lại.
Việc phá thai khiến bạn của Bushra bị ra máu rất nhiều và đau đến mức không thể nói chuyện hay đi lại bình thường.
"Cô ấy là người đầu tiên. Sau này, chúng còn bắt nhiều phụ nữ đang mang thai và đưa họ đến một ngôi nhà tách biệt", Bushra cho hay.
Bushra cùng với Noor và Munira bị bắt cóc khi IS tấn công làng của họ. Chúng đưa họ đến những vùng do nhóm phiến quân này kiểm soát ở Iraq và ép họ làm nô lệ tình dục. Những hoàn cảnh tương tự như họ, những phụ nữ bị mua bán, cho, tặng, hay thậm chí để trao đổi lấy vũ khí, rất phổ biến trong các trại tị nạn ở tỉnh Dohuk.
Bushra từng có một cuộc sống tốt đẹp cho đến khi phiến quân xuất hiện ở Sinjar, đưa cô đến một nơi hoàn toàn xa lạ.
"Chúng nói với chúng tôi rằng 'Hãy quên gia đình đi. Hãy quên đi việc các ngươi là người Yazidi, giờ các ngươi là người Hồi giáo. Bọn ta sẽ cưới các người. Mỗi chiến binh sẽ sở hữu một trong số các người' ", Bushra kể.
Các cô gái phải đứng xếp hàng để chúng kiểm tra trước khi lựa chọn người chúng muốn làm vợ. Munira, 16 tuổi, cho biết cô bị phiến quân kiểm tra ngực, răng và bụng. Nếu một cô gái nói không muốn đi theo chúng hay không muốn kết hôn, bọn chúng sẽ dùng vũ lực và các nô lệ không còn lựa chọn nào khác.
"Một tên lựa chọn tôi. Hắn ta già, béo và xấu xí. Tôi rất sợ hãi. Có một số tay súng IS khác và tôi cầu xin một trong số chúng. 'Làm ơn hãy chọn tôi. Hãy đưa tôi đi và kết hôn với tôi nếu ông muốn, nhưng hãy đưa tôi thoát khỏi người này'", Noor, 22 tuổi, kể.
Noor không bị ép phải quan hệ tình dục với kẻ đó ngay lập tức. Nhưng hai ngày sau đó, tên chọn cô trở về từ mặt trận và cho xem một bức thư, trong đó viết rằng "Bất kỳ phụ nữ nào bị bắt cũng sẽ trở thành người Hồi giáo nếu 10 phiến quân IS cưỡng hiếp cô ta".
Hắn đã làm điều tồi tệ đó với Noor trước khi giao cô lại cho đồng bọn. "Tôi đã bị 11 người lần lượt hãm hiếp", Noor nghẹn nào nói.
Tìm đến cái chết
Người Yazidi, một dân tộc thiểu số ở Iraq, tin rằng một vị thần đã sinh ra Trái Đất và giao nó cho những thiên thần chim công giữ gìn. Tuy nhiên, IS đàn áp người Yazidi trên quy mô lớn vì cho rằng họ tôn thờ ma quỷ. Chúng thậm chí còn tự tuyên bố rằng theo kinh Quran, chúng có quyền bắt giữ phụ nữ không theo đạo Hồi và thực hiện hành vi hãm hiếp.
Trong lúc bị giam cầm và chờ đến lượt bị bán, Munira đã dùng một cây kim đâm vào da thịt mình.
"Tôi từng bị đem làm giải thưởng cho một phiến quân IS khác. Hai lần", cô kể. "Đến lần thứ hai thì tôi bị đổi lấy một cô gái khác".
Bị tổn thương vì phải chứng kiến quá nhiều điều tồi tệ, Bushra cũng lấy một lọ thuốc và nuốt sạch thuốc bên trong, với ý nghĩ rằng thà kết thúc cuộc sống bế tắc này còn hơn trở thành nạn nhân tình dục. Nhưng cô vẫn sống.
"Tôi ngất xỉu nhưng không chết. Chúng đưa tôi đến bệnh viện và tại bệnh viện, tôi tỉnh lại", cô kể.
Ngay khi tỉnh dậy, cô lại bị chúng cưỡng hiếp.
Bushra không phải trường hợp duy nhất muốn tự tử. Nhiều phụ nữ đã tự kết liễu đời mình, nhưng những kẻ bắt cóc vẫn muốn giữ họ sống nếu có thể.
"Một hôm, có 14 cô gái ở cùng tôi. Họ tự tử bằng cách uống thuốc diệt chuột, nhưng phiến quân IS đã đưa họ đến bệnh viện để rửa ruột. Chúng nói với chúng tôi rằng 'Bọn ta sẽ không để các ngươi chết một cách dễ dàng' ", cô nói.
Noor, Munira và Bushra cuối cùng đã may mắn trốn thoát khỏi hang ổ của IS và đến được trại tị nạn. Gần đây họ đã đến Anh cùng Quỹ AMAR để cảnh báo các học sinh về mối nguy hiểm của sự cực đoan. Ba cô gái cũng đã được cấp quyền tị nạn ở phương Tây và sẽ sớm bắt đầu một cuộc đời mới ở nước ngoài.
Tuy nhiên, hàng trăm các phụ nữ Yazidi khác vẫn đang chịu cảnh nô lệ. Ba cô gái cho hay họ muốn vạch trần bộ mặt của IS và hy vọng có thể giúp đỡ những người đang bị giam cầm.
Thùy Linh