Người biểu tình đuổi một người ủng hộ chính phủ ở Bangkok. Ảnh: Reuters. |
Vụ nổ diễn ra chỉ vài giờ trước khi tòa án Thái Lan ra phán quyết về số phận của chính phủ đương nhiệm.
Kênh truyền hình Channel 7 đưa tin một quả lựu đạn M79 bắn từ cầu chui gần sân bay nội địa Don Muang, vốn bị Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) bao vây kể từ tuần trước trong chiến dịch nhằm lật đổ chính quyền đương nhiệm. Những người bị thương đã được đưa tới bệnh viện.
Tòa án Hiến pháp Thái Lan có thể sẽ đưa ra phán quyết giải tán đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) của Thủ tướng Somchai Wongsawat và hai đảng liên minh hôm nay vì nghi ngờ gian lận trong bầu cử. Nếu bị kết tội, Somchai và các chính trị gia trong đảng sẽ bị cấm gia nhập chính trường và nhiều bộ trưởng sẽ buộc phải từ chức. Việc giải tán PPP không nhất thiết là sẽ dẫn tới bầu cử sớm vì nhiều nghị sĩ sẽ tìm đường chuyển sang các đảng khác.
Người biểu tình mặc áo vàng thuộc PAD muốn lật đổ ông Somchai, cho rằng ông là con rối của anh rể - cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra. Thaksin bị tước quyền năm 2006 trong một cuộc chính biến và đang sống lưu vong. Thủ tướng Somchai khẳng định ông sẽ không rút lui. "Tôi sẽ không từ chức và không giải tán quốc hội", ông tuyên bố hôm qua.
Người biểu tình Thái dự kiến chấm dứt ba tháng bao vây tòa nhà quốc hội hôm nay để tập trung lực lượng sang hai sân bay ở Bangkok. Diễn biến này càng khiến nền kinh tế, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu và du lịch, gặp khó khăn. Giới chức Thái Lan cho biết tổn thất vì việc sân bay bị đóng cửa là "không thể xác định được" trong khi mỗi ngày nước này thiệt hại 85 triệu USD về xuất khẩu.
Thái Lan lâm vào khủng hoảng chính trị từ khi Thaksin bị lật đổ trong cuộc đảo chính quân sự năm 2006. Cuộc tổng tuyển cử cuối năm 2007 vốn được kỳ vọng đã không giải quyết được cuộc khủng hoảng này, sau khi một đảng gồm các đồng minh cũ của Thaksin giành chiến thắng và trở lại nắm quyền.
Sau thời gian nhùng nhằng, kể từ tháng 8 năm nay, phe PAD đã mở chiến dịch biểu tình rầm rộ chống chính phủ và tràn vào chiếm đóng trụ sở làm việc của nội các. Căng thẳng lên đến cực điểm kể từ tối 25/11, khi hàng nghìn người biểu tình tràn vào sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở Bangkok, khiến sân bay này tê liệt. Một ngày sau đến lượt sân bay thứ hai của Bangkok là Don Muang cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Hải Ninh (theo Reuters)