Tối 25/10, chương trình "Ngày Văn hoá, Du lịch Ninh Thuận" diễn ra tại khu Nhà Bát giác, khu vực phố đi bộ quanh hồ Gương. Đây là hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá những văn hoá và các điểm đến du lịch của tỉnh Ninh Thuận với người dân và du khách ở Hà Nội.
Sự kiện sẽ diễn ra trong hai ngày 26 - 27/10 với nhiều hoạt động như biểu diễn các điệu múa Apsara của người Chăm, giới thiệu nhạc cụ dân tộc như trống Ginăng, chiêng, kèn Saranai... và trưng bày sản phẩm từ làng nghề truyền thống của Ninh Thuận gồm thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bàu Trúc. Các chương trình biểu diễn liên tục từ 9h sáng tới tối các ngày của sự kiện.
Xung quanh Nhà Bát giác là triển lãm ảnh thiên nhiên, văn hoá và con người Ninh Thuận. Bên cạnh đó là những quầy giới thiệu ẩm thực đặc trưng của vùng đất này, trong đó có các món chế biến từ thịt cừu, rượu vang, nho tươi. Chị Nguyễn Minh Tuyết (Bắc Ninh), một khách tham quan chia sẻ: "Tôi không ngờ Ninh Thuận có nhiều cảnh quan đa dạng như thế, bao gồm cả sa mạc, núi, biển và cánh đồng điện gió. Nhờ sự kiện tôi biết thêm về một điểm đến đẹp của Việt Nam".
Ông Lê Văn Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, địa phương xác định mục tiêu đón 2,5 triệu lượt khách vào năm 2020 với lượng khách quốc tế chiếm 8-10%, biến du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, Ninh Thuận đón trên 2 triệu lượt khách du lịch.
Là trọng tâm của tam giác du lịch khu vực Nam Trung Bộ, Ninh Thuận có diện tích tự nhiên 3.358 km2. Với khí hậu xavan điển hình, Ninh Thuận ít mưa, nhiều nắng gió, địa hình đa dạng hiếm có. Vùng đất này có 2 vườn quốc gia, gồm Núi Chúa và Phước Bình - điểm đến của mô hình du lịch sinh thái và trekking. Tại đây còn có nền ẩm thực phong phú, với hải sản và cừu ngon nức tiếng. Là một trong 18 điểm nước trồi trên thế giới, dòng hải lưu lạnh của vùng biển Ninh Thuận cho ngư dân khai thác những loại hải sản chất lượng bậc nhất cả nước. Những thức quả như nho, táo, xoài... cũng là đặc sản nổi tiếng của địa phương.
Kiều Dương