Gia đình bà là một trong ba hộ cố bám trụ tại tầng hai của khu tập thể gỗ ở số 1A ngõ 67 Vọng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm. Khu tập thể 66 tuổi này từng có hàng chục hộ dân sinh sống. Trước tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng, các trụ gỗ đỡ chính bị mối mọt, vấn đề vệ sinh, phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, nhiều gia đình đã chuyển đi.
"Chúng tôi trụ lại vì không có điều kiện kinh tế, thấy nhà chưa sập nên liều chứ ai muốn sống trong cảnh nguy hiểm rình rập đâu", người phụ nữ ngoài 50 tuổi thở dài nói.
Căn phòng nhà bà rộng 25 m2, cơi thêm gác xép, vừa là chỗ ngủ, phòng khách, nơi ăn uống của 5 thành viên trong gia đình hàng chục năm nay. Phía trong cùng bà Mai đặt một chiếc giường, tủ quần áo. Giá để đồ nấu ăn, bát đĩa kê sát tường để giảm sức nặng cho các trụ gỗ dưới tầng một; riêng hành lang bên ngoài được gia đình cải tạo làm chỗ nấu ăn.
Sống ở trung tâm thành phố, nhưng hiếm khi bà Mai mời khách đến chơi, bởi nhà chật, mùa đông lạnh buốt, đến hè lại nóng như lò thiêu, chưa kể phải dùng nhà vệ sinh công cộng, cách nơi ở gần 100 m.
"Khổ nhất là ngày mưa gió, nước ngập ngang bắp chân vẫn lội nước đi tắm. Bấy giờ còn chưa có đường dẫn nước, các hộ phải xách từng xô nước sạch lên nhà", bà Mai kể.
Vài năm nay, một số hộ tự cơi nới xây dựng công trình phụ, sắm téc chứa nước cộng thêm nhiều nhà chuyển đi nên cảnh xếp hàng cũng giảm. Hiện gia đình bà Mai là một trong số ít hộ vẫn dùng nhà vệ sinh công cộng.
Anh Đinh Cường, hàng xóm nhà bà Mai, sống ở nhà gỗ hơn 15 năm cũng buộc phải cải tạo lại căn hộ rộng hơn 20 m2 bởi sàn gỗ bị mối mọt gây sụt lún, phần tường xây bằng cót ép nay bong tróc, lộ ra những thanh tre mục nát, mái dột nặng khi mưa lớn. "Vợ chồng tôi đi làm cả ngày, kinh tế chưa ổn định nên đành ở trong căn hộ cũ, nhưng cũng cần sửa sang, chứ để nguyên không thể ở", anh nói.
Sống trong khu chỉ chờ sập khiến anh Cường không dám để tài sản có giá trị trong nhà. "Mong ước lớn nhất của chúng tôi là được cơ quan chức năng quan tâm, sớm có những biện pháp, chính sách để người dân tái định cư tại chỗ hoặc đền bù thỏa đáng để chuyển đi", anh nói.
Khu nhà gỗ 1A tại ngõ 67 Vọng Hà nơi gia đình bà Mai, anh Cường đang ở là một trong số hơn 1.500 căn tập thể, chung cư cũ cần được cải tạo, quy mô 2-5 tầng, xây dựng từ năm 1954 đến năm 1994 tại các quận nội thành, hiện có gần 250.000 người sinh sống, theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng. Vấn đề cải tạo chung cư, tập thể cũ đã được Hà Nội đặt ra từ hơn 20 năm trước, mục tiêu đến 2015 hoàn thành. Nhưng từ 2007 đến nay chỉ có 18 dự án chung cư cũ được xây dựng lại, chiếm khoảng 1%, khiến nhiều hộ dân chán nản, mất hy vọng có nơi ở mới.
Ông Lê Quang Bình, tổ trưởng dân phố số 3 cho biết, khu nhà gỗ 1A có diện tích khoảng 1.300 m2, gồm 2 tầng với 24 gian, được xây dựng từ năm 1955. Hiện có hơn 10 hộ dân sinh sống (3 gia đình ở tầng hai và hơn 10 hộ tầng một), cuộc sống vô cùng khó khăn.
"Nguyện vọng của người dân là được cải tạo, tu sửa nhà, nhưng đến nay còn nhiều vướng mắc. Để duy trì sự an toàn cho các hộ trong thời gian đợi di dời tái định cư, chính quyền địa phương đã gia cố thêm sắt, thép theo các cột trụ của các nhà. Chúng tôi liên tục nhắc nhở bà con cần cảnh giác, nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy", ông Bình nói.
Chủ tịch UBND phường Chương Dương Nguyễn Văn Vĩnh xác nhận khu nhà gỗ tại ngõ 67 Vọng Hà là một trong những công trình lâu đời còn lại trên địa bàn phường, đã hư hỏng nghiêm trọng. "Chúng tôi đã làm đơn trình kiến nghị lên quận, thành phố để xin các phương án xử lý, giải phóng mặt bằng, nhằm sớm cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân", ông Vĩnh nói.
Hơn 40 năm nay, ông Đào Quang Thọ, 68 tuổi, sống cùng gia đình tại tầng một. Để giảm tải đường điện, tránh chập cháy, ngày hai lần ông mang bếp ra quán nước của gia đình ở đầu ngõ để nấu nướng. Ngày trước mỗi hộ chỉ có một ngọn đèn điện, giờ nhà nào cũng sắm điều hòa, tủ lạnh, máy giặt công suất cao nhưng đường dây đã cũ, các búi dây chằng chịt, nằm bò trên các thanh xà gỗ, xung quanh là các tấm đan tre, chắp vá, nếu không may chập cháy gây hỏa hoạn có thể thiêu rụi cả khu nhà.
Để cải thiện tình trạng mối mọt, chống mưa dột, nhiều hộ từng có ý định bóc lớp sàn gỗ ngăn cách giữa hai tầng để tu sửa, làm chống thấm, nhưng đành bỏ cuộc bởi nơi đây là lãnh địa của loài chuột.
Ông Thọ kể từng gặp những con chuột to bằng bắp chân, lông rụng sạch, đuôi trắng mốc, cả mèo và người đều sợ. Lũ chuột thường kiếm ăn theo đàn, đêm nào cũng chạy rầm rập khiến nhà trên, nhà dưới đều không ngủ được. "Chúng tôi cũng thử đặt bẫy nhưng chẳng bắt hết nên đành kệ. Có lẽ vậy mà người dân gọi đây là "khu nhà ổ chuột" giữa lòng thủ đô theo đúng nghĩa đen", người đàn ông 68 tuổi nói.
Theo tài liệu của Phòng tài nguyên - môi trường quận Hoàn Kiếm, khu nhà gỗ số 1A nằm trong đề án phải thu hồi để tái định cư cách đây 20 năm vì nguy hiểm. Nhưng đến nay vẫn có hơn 10 hộ dân tiếp tục bám trụ, chưa thể di dời vì nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình đền bù, di dân khi nhiều gia đình có nguyện vọng được tái định cư tại chỗ.
Ông Lê Thanh Sơn, 85 tuổi, sống trong căn hộ 20 m2 ở mặt sau của khu tập thể gần nửa thế kỷ, đã chứng kiến tình trạng xuống cấp ngày càng trầm trọng của các căn hộ trong tòa nhà.
"Vợ chồng tôi đều già, không mưu cầu nhà cao cửa rộng, chỉ mong khi gói ngân sách 128 tỷ đồng để kiểm định chung cư cũ thông qua hôm 3/10 sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ cải tạo, xây dựng các chung cư cũ trên địa bàn Hà Nội trong đó có khu nhà gỗ 1A. Hy vọng các hộ gia đình được tái định cư tại chỗ, đời sống bà con bớt khổ", ông Sơn bộc bạch.
Chung quan điểm, ông Thọ nói dù khổ vẫn muốn ở lại. "Gia đình tôi nhiều đời sinh sống, buôn bán và gắn bó mật thiết với nơi đây. Từ trước đến nay đã quen sống ở trung tâm, đi lại thuận tiện, việc học tập, đi làm của con cháu cũng ổn định. Chúng tôi chỉ hy vọng khu nhà được cải tạo sạch sẽ, đầy đủ tiện nghi để tiếp tục ở, còn phải di dời ra xa trung tâm là điều không mong muốn", người đàn ông 67 tuổi tâm sự.
Quỳnh Nguyễn