Ra đời tháng 2 năm nay, Nikon Coolpix P90 là thế hệ siêu zoom mới nhất của Nikon kế nhiệm P80 với độ phân giải nâng lên 12 triệu điểm ảnh, màn hình rộng 3 inch và dải zoom từ 26 tới 624 mm.
Bên cạnh các tính năng vẫn được duy trì như chống rung, chụp cận cảnh 1 cm và các tùy chỉnh tay linh hoạt khác, Coolpix P90 còn được bổ sung thêm tính năng nhận diện chớp mắt và nụ cười, tự động nhận cảnh, tự điều chỉnh sáng và khả năng chụp nhanh liên tục 45 hình ở độ phân giải thấp với tốc độ 15 khung hình/giây và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Canon PowerShot SX10 IS và Panasonic Lumix DMC-FZ28 cùng hạng cân.
Mình máy dày hơn do ống kính và khung nhìn khủng hơn. Ảnh: Digital -photograph. |
Với kích thước 114 x 83 x 99 mm, Coolpix P90 hẹp hơn 10 mm và ngắn hơn 5 mm so với SX10 IS nhưng lại dầy mình hơn tới 12 mm chủ yếu do ống kính và khung nhìn khủng hơn. Trong khi đó thì Lumix DMC-FZ28 mặc dù rộng hơn 4 mm nhưng lại ngắn hơn và mỏng hơn P90 khoảng 10 mm. Về cân nặng cũng vậy, trong khi không tính đến Canon SX10 IS nặng tới 680 gram chủ yếu do dùng 4 pin AA, thì FX28 lại chỉ nặng có 417 gram so với 490 gram của P90, đạt danh hiệu nhỏ gọn nhất trong dòng các máy siêu zoom.
Tay cầm của P90 kế thừa danh tiếng thiết kế sinh thái học nổi tiếng của Nikon nên cho một cảm giác rất chắc chắn và đầm với việc tráng phủ một lớp cao su thay vì nhựa như của Canon hay dễ lọt tay như Panasonic. Đèn flash của model này cũng tương tự như của hai đối thủ là người chụp phải tự mở bằng tay. Thao tác này giúp điều chỉnh đèn tùy biến hơn nhưng lại đòi hỏi người chụp phải luôn để ý mở đèn nếu chụp trong điều kiện thiếu sáng.
Sử dụng pin Lithium Ion dung lượng 1.100 mAh, P90 chụp được chừng 200 ảnh trước khi phải xạc lại. Tuy nhiên, con số này trở thành lép vế so với 460 ảnh của FZ28 và khoảng 340 đến 600 của SX10 IS tùy pin (Alkaline hoặc NiMH). Ngõ xuất hình ảnh của P90 cũng như SX10 IS chỉ là giắc TV thông thường chứ không được hoành tráng là cổng HDMI thời thượng như trên các model của các đối thủ khác như Sony HX1, Olympus SP-590UZ và Canon SX1 IS.
Màn hình 3 inch. |
P90 có một lợi thế không thể phủ nhận là zoom khá khủng, tới 24x, trong đó cả góc rộng và tele đều chiếm ưu thế vượt trội (26 - 624 mm) so với các "siêu" khác như FZ28 18x (27 - 486 mm), Canon SX10 IS/SX1, Sony HX1 IS 20x (28 - 560 mm). P90 chỉ chịu thua đầu bảng ở thời điểm hiện tại là Olympus SP-590UZ với 26x (26 - 676 mm).
Độ mở ống kính của P90 ngược lại cũng chưa tạo được sự khác biệt với f2.8-5.0, chỉ nhỉnh hơn SX10 IS chút xíu (f5,7). Nhưng ở khoảng cách chụp macro thì P90 lại để SX10 IS qua mặt với khả năng chụp 0 cm (so với 1 cm), cho phép đối tượng nằm sát luôn trên ống kính và lấy sáng từ phía sau (chữ trên giấy trắngchẳng hạn).
Một nhược điểm nữa của một số dòng siêu zoom như FZ28 và P90 là nắp ống kính thay vì gắn trên ống kính, lại gắn trên vòng che bên ngoài. Do đó khi bật máy ảnh, nắp máy này sẽ chắn đường thòi ra của ống kính và máy sẽ báo lỗi. Trong khi Canon SX10 IS đã khắc phục được nhược điểm này thì không hiểu sao Nikon P90 ra sau mà vẫn thiết kế một cách thiếu cẩn trọng như vậy.
Cơ chế chống rung Vibration Reduction trên Nikon P90 sử dụng phương thức điều chỉnh cảm biến tương tự như của Olympus thay vì quang học như trên Canon và Panasonic. Cơ chế này hoạt động khá hiệu quả. Ở chế độ zoom toàn phần 624 mm, mặc dù trên lý thuyết để tránh hình ảnh bị rung thì tốc độ phải là 1/624, nhưng với chế độ chống rung được kích hoạt, người chụp có thể hạ xuống khoảng 1/80 mà hình ảnh vấn chấp nhận được. Nhưng tốt nhất bạn vẫn nên nghĩ tới việc dùng chân máy bởi tiêu cự cỡ trên 600 mm đã là quá dài, kể cả với các máy DSLR thực thụ.
Máy này zoom tới 24x. |
Màn hình LCD cũng được cải thiện với độ rộng lên tới 3 inch so với tiền nhiệm P80 chỉ 2,5 inch và các đối thủ đến từ Canon và Panasonic chỉ 2,7 inch. Mặc dù cũng hỗ trợ khả năng chụp các góc độ khác nhau, thiết kế bản lề của P90 dù gọn nhưng không cơ động bằng bản lề góc của SX10 IS, cho phép quay gần như mọi góc độ kể cả việc úp vào bên trong để tránh xước.
Ở tính năng nhận diện nụ cười và chớp mắt, Nikon P90 lại ghi điểm với khả năng hoạt động khá tốt. Không giống như cơ chế nhận diện nụ cười dựa trên tông màu răng của Sony (đòi hỏi cười tươi), P90 có thể bắt cả những nụ cười mỉm và có thể chụp liên tục tới 9 hình liên tục. Chức năng nhận diện chớp mắt kết hợp với nhận diện nụ cười cũng có thể chụp hai hình liên tục khi phát hiện mắt bị chớp và xóa đi bức hình xấu, chỉ giữ lại hình đẹp.
Khả năng quay phim của P90 hơi nghèo nàn bởi chỉ có thể quay ở độ phân giải tối đa 640 x 480 pixel với hai tốc độ 30 và 15 khung hình mỗi giây, âm thanh mono và lại không zoom quang được. Ở lĩnh vực này P90 đã bị mất điểm so với hình ảnh 720p của FX28, âm thanh stereo của SX10 IS và khả năng zoom quang trong khi quay ở cả hai model đối thủ này.
Do ra sau nên ít nhất ở độ phân giải, P90 cũng đánh bại được các đối thủ Canon và Panasonic (10 triệu điểm) với cảm biến CCD 1/2,33 inch 12 triệu điểm ảnh, ngang hàng với đầu bảng Olympus SP-590UZ. Độ phân giải tối đa đạt tới 4.000 x 3.000 điểm ảnh, cho phép in ảnh lớn tới 25 x 35 mm với 300dpi nhưng đáng ngạc nhiên lại không hỗ trợ định dạng RAW như trên hai model kia.
Canon SX10 IS đánh bại Nikon P90. Ảnh: Ces-show. |
Là thế hệ siêu zoom mới nhất, Nikon P90 qua mặt hầu hết các siêu khác đang dẫn đầu thị trường như SX10 IS và FZ28 về độ phân giải, dải zoom lớn và ống góc rộng. Màn hình cũng được cải thiện chút ít với kích thước 3 inch nhưng độ phân giải vẫn chỉ ở mức 230.000 điểm ảnh, thành ra trông không sáng đẹp như trên các màn hình nhỏ hơn của các đối thủ. Bù lại, thiết kế tay cầm của P90 rất chắc chắn và ôm tay, được đánh giá là thiết kế hợp lý nhất trong số tất cả các đối thủ có mặt trên thị trường.
Nikon P90 thật khó đánh bại được SX10 IS vốn vẫn là một trong các model bán chạy nhất trên thị trường xét về mọi khía cạnh cấu hình. Mặc dù dải zoom ngắn hơn, góc hẹp hơn nhưng bù lại do thừa hưởng thế hệ xử lý hình ảnh mới nhất của Canon, hình ảnh trên SX10 IS chi tiết hơn, màu sắc tự nhiên hơn và xử lý ánh tím viền cạnh tốt hơn nhiều so với P90. Một số tính năng ưu việt khác cũng khiến cho P90 bị SX10 IS qua mặt như nắp ống kính thiết kế che ngoài ống hợp lý, có thêm chân đèn lắp flash ngoài, ghi video với âm thanh stereo và các phím nóng điều chỉnh cấu hình cơ bản tiện dụng. Việc sử dụng 4 pin AA thay vì pin Pithium Ion của Canon cũng có thể khiến nhiều người không thích bở nó quá nặng, nhưng bù lại nó lại dễ mua hơn và chụp được nhiều ảnh hơn.
Tuy nhiên không thể không nói P90 cũng có một số ưu điểm so với SX10 IS như zoom dài hơn, góc ống kính rộng hơn, độ mở tối đa rộng hơn, điểm ảnh nhiều hơn, màn hình rộng hơn, nhẹ hơn và chụp ảnh liên tục nhanh hơn. Mặc dù chất lượng hình ảnh chưa thật xuất sắc nhưng ít nhất ở những điều kiện chụp ảnh bình thường với ánh sáng tốt P90 vẫn cho ra những bức ảnh có màu sắc rực rỡ mang phong cách đặc trưng của Nikon.
Panasonic Lumix FZ28 không qua nổi Nikon P90. Ảnh: Letsgodigital. |
So với Panasonic Lumix DMC-FZ28, về zoom, màn LCD và độ phân giải, Nikon P90 cũng dễ dàng qua mặt Panasonic FZ28 chỉ 18x và 10 triệu điểm ảnh. Khả năng quay video đếm ngược và tính năng nhận diện nụ cười và chớp mắt cũng khiến cho P90 có chút lợi thế so với FZ28.
Nhưng về tổng thể, P90 vẫn còn chưa theo kịp model cũng vào hạng bán chạy nhất trên thị trường này. FZ28 chiếm ưu thế hơn hẳn ở hình dáng nhỏ gọn hơn, trọng lượng nhẹ hơn P90, khả năng ghi ảnh RAW và quay phim HD, khả năng zoom quang trong khi quay, xử lý viền tím tốt hơn, hệ thống menu phím nóng truy cập nhanh hơn và thời lượng pin dài hơn hẳn.
Nhìn riêng biệt, Coolpix P90 là một máy ảnh khá hấp dẫn với rất nhiều tính năng tiên tiến. Bên cạnh đó là các thông số về độ phân giải, zoom cũng như màn LCD đều thuộc hàng cao nhất hiện thời. Tuy nhiên, khi đặt trong tổng thể của thị trường siêu zoom, P90 chưa thật sự nổi bật dù là model ra đời muộn nhất. Một số tính năng thời thượng như khả năng quay video HD, xuất hình HDMI hay chất lượng hình ảnh được xử lý kỹ càng cũng như một số tính năng đã so sánh ở trên khiến cho những người muốn sở hữu các dòng PnS siêu zoom phải băn khoăn lựa chọn, so sánh P90 với các đối thủ cùng hạng cân thay vì ra quyết định ngay.
|
Nguyễn Hà (theo Camera Lab)