Cảnh báo này được đưa ra sau khi hai nhà cung cấp của Nike tại Việt Nam là công ty Chang Shin và tập đoàn Pou Chen đã ngừng sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại miền Nam.
Trong năm tài chính 2020, Nike cho biết các nhà máy hợp đồng tại Việt Nam sản xuất khoảng 50% tổng số giày dép cho thương hiệu này. Còn theo một phân tích mới từ Panjiva - bộ phận phân tích của S&P Global Market Intelligence, 49% sản phẩm của Nike trong quý II nhập khẩu bằng đường biển vào Mỹ đến từ Việt Nam. Panjiva cho biết sản phẩm Nike nhập khẩu từ Việt Nam năm tài chính kết thúc vào 30/6 chủ yếu là giày dép, chiếm đến 82%.
"Sức khỏe và sự an toàn của nhân viên, cũng như của các nhà cung cấp vẫn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi", một phát ngôn viên của Nike nói với CNBC.
Theo người phát ngôn này, Nike vẫn tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để hỗ trợ những nỗ lực của họ nhằm vượt qua đại dịch. Nike mong muốn các nhà cung cấp ưu tiên sức khoẻ, sinh kế của nhân viên và tiếp tục tuân thủ các yêu cầu pháp lý, quy tắc ứng xử của Nike về chế độ lương, phúc lợi và thôi việc. "Chúng tôi tự tin vào khả năng xử lý những vấn đề này trong ngắn hạn và vẫn thận trọng với kế hoạch của mình", đại diện Nike cho hay.
Trong cuộc họp với các nhà phân tích tháng trước, CFO Nike cho biết công ty đang dự báo chuỗi cung ứng bị chậm trễ và chi phí hậu cần cao hơn sẽ xảy ra trong phần lớn năm tài chính năm 2022. Ông cũng thừa nhận một số thời điểm nhu cầu của người tiêu dùng đã vượt quá nguồn cung từ Nike.
Không chỉ Nike, nhiều thương hiệu trong ngành khác cũng đang gặp khó khăn về nguồn cung. Tháng trước, CEO Jim Weber của Brooks Running chia sẻ công ty này đang trải qua chu kỳ giao hàng 80 ngày, trong khi đó trước đây chỉ 40 ngày.
Các thương hiệu thời trang như Levi Strauss và H&M cũng đang đối mặt với tình cảnh tương tự ở Bangladesh - nơi có một số trung tâm sản xuất quần áo lớn. Chuỗi cửa hàng bách hóa Nordstrom hiện gặp phải sự chậm trễ về nguồn cung giữa đợt giảm giá lớn nhất năm.
Tú Anh (theo CNBC)