Chỉ thị mới được Bộ trưởng Tư pháp kiêm Tổng công tố Nigeria Abubakar Malami ban hành hôm 5/6 và được ký đại diện bởi phát ngôn viên Umar Jibrilu Gwandu.
"Malami chỉ đạo Ủy viên Công tố Liên bang thuộc Văn phòng Tổng công tố Liên bang và Bộ trưởng Tư pháp bắt đầu hành động và nghiêm túc thực hiện quá trình truy tố những người vi phạm lệnh cấm Twitter hoạt động ở Nigeria", thông cáo cho biết.
Bộ trưởng Malami chỉ đạo cơ quan quản lý truyền thông (NCC) cùng Bộ Truyền thông và Kinh tế Kỹ thuật số phối hợp với các công tố viên Nigeria "nhanh chóng truy tố người phạm tội".
Quyết định bắt và truy tố những người sử dụng Twitter được đưa ra một ngày sau khi Bộ Văn Hóa và Thông tin Nigeria thông báo đình chỉ vô thời hạn hoạt động của Twitter tại nước này. Lệnh cấm có hiệu lực sau khi Twitter xóa một đoạn tweet của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari.
Bộ trưởng Văn hóa Thông tin Mohammed chỉ trích việc Twitter xóa tweet của Tổng thống Buhari, cáo buộc mạng xã hội này "tiêu chuẩn kép". Mohammed cũng đặt nghi vấn về động cơ của Twitter tại Nigeria, nói rằng sứ mệnh của mạng xã hội trên tại đây "rất đáng ngờ".
Lệnh cấm Twitter tại Nigeria nhanh chóng được triển khai, khi nhiều người tại nước này không thể truy cập mạng xã hội trên từ sớm 5/6. Tuy nhiên, một số người tìm cách lách lệnh cấm thông qua mạng riêng ảo (VPN), cho phép truy cập các trang web bằng kết nối Internet được mã hóa.
Gwandu, phát ngôn viên của Bộ trưởng Tư pháp Nigeria, nói bất cứ ai tại nước này còn đăng tweet sẽ bị đưa ra trước pháp luật. "Bất cứ ai vi phạm, dù là cá nhân hay tổ chức, đều sẽ bị truy tố", Gwandu cho biết. "Nhiệm vụ của các công tố viên là phải tìm ra các phương thức xác định những ai vi phạm".
Khi được hỏi liệu việc truy tố các công dân tuân thủ pháp luật vốn được quyền tự do ngôn luận hay không, Gwandu trả lời rằng luật pháp Nigeria không đảm bảo quyền tự do tuyệt đối. "Làm sao anh có thể gọi họ là công dân tuân thủ luật pháp khi họ vi phạm pháp luật, khi họ muốn phá hoại, kích động nổi dậy, phạm tội và khơi thù ghét giữa những người Nigeria với nhau", ông nói.
"Quyền tự do nào cũng đi đôi với trách nhiệm. Không một quyền tự do nào là tuyệt đối. Những người bị bắt sẽ biết họ phải đối mặt với hình thức truy tố nào", phát ngôn viên này cho biết thêm.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)