"Pháp đang tìm cách can thiệp quân sự vào Niger. Họ đã nhận được sự đồng lõa của một số người trong nước, đồng thời họp với tham mưu trưởng Vệ binh Quốc gia Niger để nhận ủy quyền về chính trị và quân sự", đại tá Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính quyền quân sự Niger, cho biết hôm nay.
Đại tá Abdramane khẳng định động thái này nhằm giải cứu Tổng thống Mohamed Bazoum, người bị lật đổ tuần trước và đang bị quản thúc tại dinh thự. "Ngoại trưởng Hassoumi Massoudou đã ký các tài liệu ủy quyền cho Pháp hành động", ông nói nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể cho những cáo buộc trên.
Ngoại trưởng Massoudou chưa lên tiếng về cáo buộc.
Bộ Ngoại giao Pháp cùng ngày khẳng định chỉ công nhận chính phủ của Tổng thống Mohamed Bazoum khi được đề nghị bình luận về phát biểu của quan chức chính quyền quân sự Niger. "Ưu tiên hiện nay là bảo đảm an toàn cho công dân và cơ sở hạ tầng của Pháp. Đây là những điều không thể bị xâm phạm theo luật pháp quốc tế", cơ quan này ra thông cáo cho hay.
Chính phủ Pháp trước đó lên án cuộc đảo chính và kêu gọi trao trả quyền lực cho ông Bazoum, nhưng chưa công bố ý định hành động quân sự tại Niger.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger ngày 26/7 bắt Tổng thống Bazoum, cáo buộc chính quyền dân sự quản lý yếu kém và khiến tình hình an ninh ngày một xấu đi. Quân đội Niger sau đó tuyên bố trung thành với đội cận vệ "để tránh xung đột trong lực lượng vũ trang". Tướng Abdourahamane Tchiani, chỉ huy lực lượng cận vệ, được chọn làm tân lãnh đạo.
Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cũng lên án cuộc đảo chính ở Niger. EU tuyên bố không công nhận phe đảo chính, đình chỉ hỗ trợ tài chính và hợp tác an ninh với Niger. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với ông Bazoum, cam kết sẽ đảm bảo khôi phục trật tự hiến pháp nước này.
Trong cuộc họp khẩn ngày 28/7, Liên minh châu Phi ra tuyên bố yêu cầu quân đội Niger trở lại doanh trại và khôi phục trật tự hiến pháp trong 15 này. Liên minh không nêu rõ chuyện gì sẽ xảy ra sau thời hạn này.
Niger là quốc gia không giáp biển với diện tích gần 1,3 triệu km2, trong đó khoảng 80% nằm trong sa mạc Sahara. Nước này có dân số khoảng 25,4 triệu người, hầu hết theo đạo Hồi, sống tập trung ở miền nam và miền tây đất nước.
Niger còn là đối tác chính của Pháp và Mỹ trong chiến dịch đối phó với phiến quân Hồi giáo cực đoan ở vùng Sahel tại Tây và Trung Phi, ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp từ khu vực châu Phi cận Sahara. EU có một lượng nhỏ quân đội làm nhiệm vụ huấn luyện quân sự ở Niger.
Vũ Anh (Theo AFP)