Khung thời gian để Pháp rút quân "phải được thiết lập trong một khuôn khổ đàm phán và bằng thỏa thuận song phương", chính quyền quân sự Niger cho biết trên truyền hình quốc gia cuối ngày 25/9.
Động thái diễn ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 24/9 thông báo Paris sẽ rút đại sứ tại Niamey và sau đó là lực lượng quân đội khỏi Niger trong vài tháng tới. Đây cũng là hai yêu cầu mà chính quyền quân sự Niger đưa ra sau cuộc đảo chính cuối tháng 7, lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum.
Ông Macron tái khẳng định quan điểm ông Bazoum là người có thẩm quyền hợp pháp duy nhất, thêm rằng ông này vẫn "bị bắt làm con tin".
"Về đại sứ, chúng tôi không bình luận về cách thức trở về của ông ấy", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp Anne-Claire Legendre nói hôm nay. "Ưu tiên hàng đầu là trả tự do cho ông Bazoum".
Pháp duy trì khoảng 1.500 quân ở Niger để hỗ trợ chính quyền Bazoum đối phó phiến quân Hồi giáo cực đoan. Tuy nhiên, quan hệ giữa Niger với Pháp lao dốc sau cuộc đảo chính. Chính quyền quân sự Niger ngày 3/8 hủy các thỏa thuận quân sự với Pháp, tuyên bố trục xuất đại sứ Pháp Sylvain Itte.
Ông Macron ngày 24/9 cáo buộc chính quyền quân sự Niger "không còn muốn đối phó chủ nghĩa khủng bố". Trong khi đó, giới lãnh đạo quân sự Niger tuyên bố nước này đạt "bước tiến mới về chủ quyền".
Ngoài Pháp, Mỹ cũng có khoảng 1.100 binh sĩ tại Niger. Matthew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, ngày 25/9 nói quyết định của Pháp không ảnh hưởng đến lập trường của nước này tại Niger và Washington sẽ "đánh giá" các bước đi tiếp theo.
Như Tâm (Theo AFP, Reuters)