"Cộng hòa Niger, nhằm thể hiện sự đoàn kết hoàn toàn với chính phủ và nhân dân Mali, quyết định cắt quan hệ ngoại giao với Ukraine ngay lập tức", Amadou Abdramane, phát ngôn viên chính phủ Niger, ngày 6/8 thông báo trên truyền hình.
Quyết định được đưa ra hai ngày sau khi chính phủ Mali có động thái tương tự, liên quan phát biểu gần đây của người phát ngôn Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) Andriy Yusov về giao tranh giữa quân đội Mali và lực lượng ly khai hồi tháng 7, khiến nhiều quân nhân nước này và thành viên Wagner, tập đoàn quân sự Nga hiện diện ở Mali để hỗ trợ quân chính phủ, thiệt mạng.
Ông Yusov đã nói rằng "cả thế giới đều biết phiến quân đã nhận được mọi thông tin cần thiết để thực hiện chiến dịch chống lại tay súng Nga", song không giải thích thêm. Mali cáo buộc phát ngôn viên GUR đã thừa nhận "vai trò của Ukraine trong cuộc tấn công hèn nhát, xảo trá và man rợ" này.
"Chính phủ Cộng hòa Niger vô cùng kinh ngạc và phẫn nộ trước phát biểu mang tính phá hoại và không thể chấp nhận của ông Andryi Yusov", ông Abdramane cho biết, thêm rằng Mali sẽ yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thảo luận về "hành động gây hấn" của Ukraine.
Kiev chưa bình luận về quyết định của Niger. Bộ Ngoại giao nước này trước đó tuyên bố Kiev "tuân thủ vô điều kiện các quy tắc của luật pháp quốc tế", "kiên quyết bác bỏ các cáo buộc của chính phủ chuyển tiếp ở Mali" và lấy làm tiếc về quyết định "vội vàng" của Mali.
Quan hệ Niger - Mali gần đây được thắt chặt trong bối cảnh hai nước đều vừa trải qua đảo chính và đang được chính quyền quân sự điều hành. Niamey và Bamako hủy bỏ thỏa thuận quân sự với Pháp và chuyển hướng sang tìm kiếm hỗ trợ quân sự từ Nga.
Tháng trước, Niger, Mali và Burkina Faso, quốc gia cũng vừa trải qua đảo chính quân sự, ký hiệp ước thiết lập liên hiệp nhằm tăng cường hội nhập, sau khi đồng loạt tuyên bố rời khỏi khối Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS).
Giao tranh dữ dội nổ ra hôm 25/7 tại một trại quân sự ở Tinzaouatene, khu vực gần biên giới với Algeria, của Mali. Lực lượng ly khai do người dân tộc Tuareg lãnh đạo tuyên bố họ đã hạ tổng cộng 47 quân nhân Mali và 84 thành viên Wagner trong cuộc đụng độ kéo dài ba ngày. Quân đội Mali thừa nhận "một lượng lớn" binh sĩ nước này đã thiệt mạng, song không công bố số liệu cụ thể.
Giới quan sát cho biết quân chính phủ Mali và lực lượng Wagner hứng thiệt hại nặng do phiến quân đã lợi dụng bão cát để bố trí trận địa phục kích.
Tập đoàn Wagner những năm gần đây tăng cường hiện diện ở châu Phi và đã triển khai lực lượng tại Trung Phi, Burkina Faso và Mali.
Phạm Giang (Theo AFP)