"Mối đe dọa xâm lược lãnh thổ đất nước ngày càng trở nên rõ ràng", theo tài liệu nội bộ của Bộ Quốc phòng Niger, được Reuters công bố ngày 26/8. Một nguồn tin an ninh Niger sau đó xác thực văn bản này.
Tài liệu cho biết chính quyền quân sự Niger đặt các lực lượng vũ trang nước này trong tình trạng báo động cao nhất. Quyết định trên cho phép quân đội Niger "tránh bị bất ngờ" và phản ứng phù hợp trong trường hợp nước này bị tấn công.
Giới chức và các chỉ huy quân đội Niger chưa bình luận về thông tin trên.
Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum. Tướng Tiani sau đó trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự, bất chấp sự phản đối của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và các nước phương Tây.
Các lãnh đạo quân đội ECOWAS tuần trước thống nhất ngày có thể bắt đầu can thiệp vào Niger nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể.
Khối ECOWAS trước đó áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Niger, bao gồm cắt đứt giao dịch tài chính và nguồn cung cấp điện, đồng thời đóng biên giới và ngăn cản quá trình nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu cho một trong những nước nghèo nhất thế giới.
ECOWAS ngày 25/8 khẳng định khối vẫn cố gắng đàm phán với chính quyền quân sự Niger, chủ trương giải quyết khủng hoảng bằng nỗ lực ngoại giao, nhưng không loại hoàn toàn phương án can thiệp quân sự.
"Tôi nhấn mạnh ECOWAS không tuyên chiến và cũng không có ý định tuyên chiến với nhân dân Niger, hay xâm lược nước này", Tổng thư ký ECOWAS Omar Alieu Touray cho biết.
Niger là quốc gia thứ tư ở Tây Phi xảy ra đảo chính kể từ năm 2020, sau Burkina Faso, Guinea và Mali. Chính quyền quân sự Burkina Faso và Mali tuyên bố rằng bất kỳ hành vi can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ bị coi là tuyên chiến với họ.
Tuần này, chính quyền quân sự Niger thông báo sẽ ủy quyền cho quân đội Burkina Faso và Mali can thiệp trong trường hợp nước này bị tấn công.
Thanh Danh (Theo Reuters, AFP)