Một sắc hoa đỏ thắm bên vỉa hè đập vào mắt khiến lòng tôi nao nao. Thế là, một năm mới lại tới. Tôi đã bon chen ở cái thành phố hoa lệ mà nhộn nhạo này mấy năm rồi nhưng vẫn cảm thấy xa lạ với nó vô cùng.
Những ngày lễ Tết, khi nhìn thấy mọi người vui vẻ, bận bịu mua sắm, nấu nướng rồi quây quần bên mâm cơm, tiếng cười nói, thậm chí cả tiếng cãi nhau cũng khiến tôi thấy ghen tị. Lúc đó, tôi lại nhớ những “ngày xưa”, ngày mà chị em tôi còn bé xíu, còn tranh nhau cả miếng cháy xôi.
Dù có khó khăn, vất vả thế nào, bà và mẹ tôi cũng cố lo cho chúng tôi có được ngày lễ tết vui vẻ giống như con người ta, dù chỉ bằng dăm ba phần thôi. Tuổi thơ tôi bình yên trôi qua sau những lần dài cổ mong ngóng Tết đến xuân về để có quần áo mới, được ăn kẹo mứt và nhận tiền lì xì. Tôi dần trưởng thành và những cảm xúc trẻ thơ về ngày tết cũng dần mất đi, thay vào đó là những lo lắng bộn bề làm tâm hồn già nua và chai sạn. Cuộc sống như một cơn lốc xoáy cuốn tôi xoay mãi, xoay mãi không ngừng, khiến tôi chỉ có thể nhìn về phía trước, không còn thời gian ngoái lại phía sau hay liếc qua xung quanh. Vì thế, dường như tôi đã quên mất, trên bước đường tôi đi luôn có ánh mắt yêu thương, lo lắng của bà và mẹ dõi theo. Tôi cũng vô tâm không thấy được nỗi đau mà hai người đã cẩn thận giấu kín sau mỗi nụ cười.
![ba-noi-va-me-1424010645-4743-1424054734.](https://vcdn1-giadinh.vnecdn.net/2015/02/16/ba-noi-va-me-1424010645-4743-1424054734.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ixiE0S3Vr7UXa2maAiqNnQ)
Ngày Tết là ngày mà tất cả các thành viên trong gia đình tụ họp cùng nhau. Trên mâm cơm, ông bà, con cháu, vợ chồng, anh chị em vui mừng trò chuyện về những đề tài vặt vãnh và chuyền tay nhau đĩa bánh chưng xanh rờn, thơm hương nếp. Khung cảnh đó mới bình dị, ấm cúng làm sao! Nhưng đối với gia đình tôi, nó dường như là một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực bởi từ rất lâu rồi, gia đình tôi đã không còn trọn vẹn. Và vì thế niềm vui ngày Tết của chúng tôi cũng không hề trọn vẹn.
Khi trưởng thành, tôi mới hiểu tại sao vào đêm giao thừa hàng năm, khi những tiếng pháo nổ giòn giã ở khắp bốn phương trời, bà tôi lại hào hứng hô lớn:
- Đấy, pháo nổ đấy. Mấy đứa nghe xem… pháo nổ nghe vui chưa? Nếu bố chúng mày còn sống, nó sẽ làm những bánh pháo thật to, nổ còn giòn hơn những tiếng pháo này í à. Bố mày làm pháo giỏi nhất làng này đấy, mấy thằng chơi với nó còn phải suýt soa khen anh Công làm pháo đến là tài”.
Mẹ tôi chỉ im lặng, ngước lên bầu trời một lúc, thở dài một cái rồi nhanh chóng bày lễ lên ban thờ để bà tôi cúng giao thừa. Nhưng đến lúc hạ cỗ, mẹ tôi cười cười nói nói thật rôm rả, cắt đặt việc đi chúc tết. Mấy năm trước, khi còn chưa hiểu chuyện, tôi thường nói:
- Bà ơi, bây giờ nhà nước cấm đốt pháo rồi, đốt còn không được thì làm pháo để người ta bắt vào tù à? Pháo này là pháo hoa thôi, bên huyện đội bắn đấy.
Bà tôi nói đã biết nhưng năm sau vẫn lặp lại nguyên những lời đó. Đến bây giờ, khi đã xa gia đình đủ lâu để tôi có thể hiểu được thế nào là nỗi nhớ nhà, nhớ người thân, tôi mới hiểu được tâm trạng của bà trong những đêm giao thừa. Bà không muốn con dâu và cháu mình buồn nên thường ngày chôn giấu nỗi nhớ con trai trong sâu thẳm trái tim, chỉ khi tiếng pháo nổ râm ran, bà mới mượn không khí vui tươi ngày Tết để làm lá chắn che đi nỗi đau và nỗi nhớ khi bà nói những lời đó…
Từng gia đình dắt tay nhau bước ra từ những siêu thị, khu vực bán hoa ven đường, từ người già đến trẻ con đều mang theo sắc xuân phơi phới, khuôn mặt ửng hồng như cánh bướm mỏng manh, dịu dàng, dập dờn trong vườn hoa. Nhìn cảnh ấy, tôi như nghe thấy tiếng thúc giục của trái tim: “Hãy mau mau trở về thôi, tết đến rồi đấy. Bà và mẹ mi đang chờ kìa”. Đúng vậy, tôi còn cố chen lấn trên con đường này làm gì nữa? Công việc thì làm cả năm rồi. Tôi muốn được ngay lập tức trở về nhà, cùng mẹ đi chợ sắm tết, cùng bà lau dọn ban thờ, cùng các em chụm đầu nướng khoai trong khi trông nồi bánh chưng luộc. Và nhất định, trong đêm giao thừa năm nay, khi tiếng pháo nổ giòn giã khắp bốn phương, khi bà háo hứng “Đấy, pháo nổ đấy. Mấy đứa nghe xem…”, tôi sẽ nói với bà:
- Bà ơi, bố cháu theo tiếng pháo về ăn Tết với bà cháu mình đấy. Bố cháu không bao giờ rời xa bà, mẹ cháu và chị em cháu cả. Bố cháu dù có đi đâu thì cũng trở về thôi. Vì ngày Tết là ngày đoàn viên mà.
Nguyễn Thị Hằng
Cuộc thi viết "Tết đoàn viên" do nhãn hàng dầu ăn Neptune phối hợp cùng VnExpress tổ chức (từ 12/1 đến 15/2) là nơi để độc giả chia sẻ, gửi gắm tâm tư, nỗi niềm của mình khi phải xa nhà vào dịp Tết, qua đó nhấn mạnh giá trị truyền thống của gia đình Việt cùng thông điệp "Về nhà đón Tết, gia đình trên hết". |