Trong ngôi nhà mới được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Cục Hải quan và tiền tích cóp ở xã Diễn Nguyên (Diễn Châu, Nghệ An), bà Trần Thị Ninh (52 tuổi) vất vả nâng đầu con trai Phan Huy Hà để cho uống hết ly sữa. Đã 28 tuổi, nhưng Hà ngô nghê như một đứa trẻ lên ba, thường xuyên đau ốm.
Bà Ninh kể, bà và ông Phan Huy Sơn kết hôn tháng 10/1981. Bốn tháng sau ông Sơn được cử đi học y tá tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) rồi ra Hải Phòng học lên y sĩ. Đầu năm 1985, ông ra làm nhiệm vụ ở đảo Song Tử Tây.
“Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, lại phải công tác xa nhà, anh ấy luôn yêu thương và quan tâm đến vợ con. Mỗi lần rảnh rỗi là anh Sơn lại viết thư về động viên hai mẹ con. Ngày anh Sơn về phép cũng là lúc tôi mang thai cháu Trang, hy vọng sẽ cho anh ấy một niềm vui bất ngờ thế mà con chưa kịp chào đời thì bố đã…”, bà Ninh bỏ dở câu nói.
Chưa hết kỳ nghỉ phép, có lệnh của đơn vị, ông Sơn vội vàng chào tạm biệt gia đình lên đường nhận nhiệm vụ. Ngày 14/3/1988, ông đã hy sinh tại đảo Gạc Ma.
Nâng niu lá thư của chồng nay đã ố vàng, bà Ninh cho hay đó là lá thư cuối cùng ông Sơn gửi trước lúc mất mấy ngày. Qua những hàng chữ viết vội, ông dặn đủ thứ và gửi kèm 50.000 đồng để giúp bà chuẩn bị cho kỳ sinh nở. "Lúc đó tôi còn thầm trách anh sao lại dặn dò tôi như trẻ con vậy, đâu phải là lần cuối cùng. Vậy mà thư đọc xong còn chưa kịp cất thì hay tin chồng hy sinh", người phụ nữ bật khóc.
Cha mất khi chưa chào đời, cô bé Phan Thị Trang lớn lên trong vòng tay yêu thương của mẹ. Ngày ngày chứng kiến anh trai bị bệnh mà không có điều kiện thuốc men chu đáo, Trang ước mơ trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người, trước mắt là anh trai và mẹ. Tuy nhiên, khi nghe tin Đại học Y lấy điểm trúng tuyển rất cao, Trang đành gác lại giấc mơ của mình để thi vào một ngành khác với hy vọng kiếm được việc làm ổn định phụ giúp mẹ.
Cô gái sinh năm 1988 sau đó đã thi đỗ vào Khoa Sinh, Đại học Vinh. Theo học được hai năm, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mẹ bị suy thận đau ốm triền miên, anh trai không ai chăm sóc, Trang một lần nữa bỏ dở đại học về nhà phụ giúp gia đình. Dẫu vậy, cô vẫn chăm chỉ đọc sách, ôn luyện kiến thức với hy vọng một ngày nào đó được tiếp tục đi học.
“Trở thành y sĩ giống bố luôn là mơ ước của tôi, nhất là từ lúc chứng kiến mẹ nhiều đêm thức trắng chăm sóc anh trai tật nguyền", Trang tâm sự. Niềm vui cũng đến khi cô thi đậu vào Khoa Điều dưỡng, Cao đẳng Y khoa Vinh năm 2011. Sau ba năm vất vả đèn sách, Trang cũng tốt nghiệp ra trường.
Hơn một năm qua, Phan Thị Trang cầm hồ sơ xin việc chạy khắp nơi, nhưng chẳng nơi nào nhận, đành ở nhà phụ giúp mẹ việc đồng áng. Niềm vui được nhen nhóm khi Trang biết đến Facebook của Bộ trưởng Y tế. Cô đã gửi một bức tâm thư dài hơn 400 chữ bày tỏ nguyện vọng của mình và được Bộ trưởng phản hồi, hứa giúp đỡ.
"Hôm nhận được tin Bộ trưởng thông báo giúp đỡ mà tôi cứ ngỡ đang nằm mơ. Đọc những dòng Bộ trưởng nói về mình mà tôi òa khóc, rồi ôm chầm lấy mẹ để kể lại sự việc. Điều ước bấy lâu của tôi giờ sắp có cơ hội thực hiện rồi. Cảm ơn Bộ trưởng Y tế đã quan tâm và giúp đỡ gia đình", Trang nói.
Tiếp lời con gái, bà Ninh chia sẻ, vì hoàn cảnh nên con học xong cũng không biết chạy đi đâu nhờ xin việc. "Thấy con buồn bã, tôi chỉ biết động viên chờ cơ hội, dẫu rất mong manh", bà Ninh kể và cho hay hai hôm nay từ khi gia đình nhận được thông tin này, nhiều bà con hàng xóm đã tới chia vui.
Ông Trân Ngọc Sanh, Phó chủ tịch xã Diễn Nguyên cho biết, hoàn cảnh gia đình bà Ninh thuộc dạng đặc biệt khó khăn. Bà Ninh có người con đầu và bản thân bà cũng hay đau ốm.
Nhận được công văn của Văn phòng Bộ Y tế, ông Bùi Đình Long, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết, đã xin ý kiến của Sở Nội vụ và có tờ trình lên UBND tỉnh đề nghị tiếp nhận Phan Thị Trang vào công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Diễn Châu, cơ sở y tế gần nhà nhất.
"Mọi việc sẽ phải theo đúng quy trình", ông Long nói và cho biết ngày mai (17/3), đoàn công tác của Sở sẽ về gia đình để thăm hỏi, khám sức khỏe cho anh trai và mẹ của Trang.
Phan Ngọc - Hải Bình