Cuối năm 2018, 120 người dân tộc thiểu số Vân Kiều ở bản A Dơi Đớ, xã A Dơi (Hướng Hóa, Quảng Trị) được nhập quốc tịch Việt Nam, sau hơn 20 năm chờ đợi. Là thôn biên giới thuộc xã A Dơi, A Dơi Đớ hiện có hàng trăm người không quốc tịch, sống tập trung ở một góc quả đồi, chủ yếu trồng sắn, lúa nương.
Ông Hồ Văn Kiên (72 tuổi) kể, năm 2000, sau hiệp định phân chia biên giới giữa Việt Nam và Lào, bản A Dơi Đớ được chia làm hai. Ban đầu, ông chọn ở bên kia biên giới, sau thấy người thân ở Việt Nam nhiều nên đưa cả gia đình trở về. Không giấy tờ tùy thân, ông Kiên và gia đình không có hồ sơ làm thủ tục nhập quốc tịch. Họ sống cảnh không hộ khẩu, không khai sinh, không chứng minh thư...
Năm 2019 đã hoàn toàn khác, bà con hồ hởi rủ nhau đón Tết cổ truyền Việt Nam, thay vì chỉ mừng Tết cơm mới sau mỗi mùa lúa rẫy. Ông Kiên và 12 con cháu được nhập quốc tịch Việt Nam, có đầy đủ giấy tờ tùy thân. "Tết Kỷ Hợi là vui nhất với gia đình bố. Sau Tết, mấy đứa trẻ có giấy tờ để đi học chính thức như bao đứa trẻ khác", ông Kiên nói và giải thích lâu nay trẻ trong thôn đến trường học chui vì không có học bạ, học đến cấp ba là phải nghỉ.
Ông Kiên dự định Tết sẽ có xôi, thịt gà, mua thêm ít thịt heo và dê từ hàng xóm để thắp hương báo với tổ tiên. Ngày Tết, trẻ con cũng được sắm áo mới, ăn sáng bằng món xôi ống để cả năm được may mắn, sau đó đi chúc Tết từng nhà. Người lớn thì đi thăm nhau, uống với nhau ly rượu nếp bên bếp lửa nhà sàn.
Niềm vui với anh Hồ Văn Thể (45 tuổi) nhân lên gấp đôi khi vừa được nhập quốc tịch, vừa được đón xuân trong căn nhà sàn mới dựng. Anh Thể đã chuẩn bị rượu cần, nếp để nấu xôi, làm bánh, mổ con lợn cùng hàng xóm chung vui. "Tết này gia đình rất mừng. Anh em đi chúc Tết quanh xóm, mọi người rất đoàn kết. Hết ba ngày lại lên nương rẫy thôi", anh Thể chia sẻ.
Những ngày mới trở về Việt Nam, cuộc sống của 6 người trong gia đình anh Thể chìm trong nghèo đói, muốn vay vốn sản xuất cũng không được do không có hộ khẩu, chỉ đi làm thuê mướn. Phải mang phận xâm cư ngay trên mảnh đất quê hương, như bao gia đình khác ở bản A Dơi Đớ, anh Thể rất buồn tủi.
Lâu nay nhiều hộ dân ở A Dới Đớ không có quốc tịch nên không được hưởng các chính sách hỗ trợ, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. "Muốn thả bầy lợn, chăn đàn dê cũng khó vì dân không có vốn. Nay thì vay vốn dễ, hỗ trợ cũng nhiều, hạ tầng về bản được đầu tư", ông Hồ Xa Cách, Chủ tịch UBND xã A Dơi, nói.
Sau Tết, nhà chức trách Hướng Hóa sẽ hoàn tất thủ tục, giấy tờ quan trọng để đảm bảo quyền và lợi ích cho người dân sau khi nhập quốc tịch. Xã đã khảo sát hộ nào thiếu đói thì lập danh sách đề nghị cấp trên trích kinh phí hỗ trợ bà con ăn Tết.
Tỉnh Quảng Trị có 281 người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú sinh sống ở vùng biên giới huyện Hướng Hóa từ trước năm 2000 đến nay. Những người này hiện không có quốc tịch. Đến nay, tỉnh đã giải quyết 120 trường hợp, số còn lại sẽ được làm thủ tục nhập tịch trong thời gian tới.