7h sáng, anh Nguyễn Quang Thắng khoác chiếc áo xanh Grab, kiểm tra chiếc xe máy trước khi bắt đầu ngày làm việc mới. Cách đây 6 năm khi mới bắt đầu gia nhập đội ngũ tài xế, anh từng tự ti vì màu áo xanh này.
"Khi ấy, các hãng xe công nghệ chưa phổ biến tại Việt Nam, nên khi nghĩ lái xe chở khách, mình có chút ngại ngùng", anh nói.

Tài xế Nguyễn Quang Thắng đã gắn bó với Grab hơn nửa thập kỷ. Ảnh: Hồng Thảo
Từ vị trí giám đốc của một công ty du lịch với mức lương khá, anh Thắng quyết định dừng việc do không chịu được áp lực đè nặng. Sau 6 tháng thất nghiệp, anh vô tình thấy quảng cáo Grab tuyển tài xế nên đăng ký thử với suy nghĩ làm cho đỡ chán, ngắn hạn và để ổn định kinh tế.
Những ngày đầu đi làm, anh giấu gia đình, không dám mặc đồng phục vì sợ mọi người đánh giá. Lâu dần anh cũng hiểu hơn công việc chạy xe công nghệ. Bên cạnh cơ hội thu nhập ổn định, anh thậm chí còn thấy tự hào khi mình làm việc bằng sức lao động và có cơ hội giúp đỡ cộng đồng và các anh em tài xế khác.
"Làm công việc tài xế công nghệ là nghề chọn người. Thấm thoắt đến nay tôi gắn bó với hãng đã tròn 6 năm", anh nói.
Anh Nguyễn Ngọc Văn, năm nay ngoài 50 tuổi cũng gắn bó với công việc tài xế công nghệ từ năm 2017. Trước đây, anh Văn là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu que hàn với giá trị những kiện hàng lên tới tiền tỷ. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh khó khăn, áp lực đè nén khiến người đàn ông 6x quyết định chuyển nhượng mô hình công ty cho một người em thân thiết.

Anh Nguyễn Ngọc Văn là thành viên nòng cốt trong nhóm cứu hộ tài xế GrabCar tại Hà Nội. Ảnh: Hồng Thảo
"Lúc đến với Grab, tôi chưa bao giờ làm thuê. Suốt từ thời trẻ, mình có kiến thức, kinh nghiệm lại 'liều' nên luôn làm chủ", anh Văn nói.
Thế nên thời gian đầu tập quen với công việc mới, người đàn ông 6x đối diện không ít khó khăn. Đầu tiên, đó là sự thay đổi cách thức kiếm tiền. Thay vì kiếm nhiều tiền nhưng áp lực, anh kiếm ít hơn, nhưng mức thu nhập khá, ổn định và đều đặn hàng ngày.
"Mỗi ngày đều trôi qua yên bình, nhẹ nhàng. Qua từng chuyến xe, tôi lại được hành khách chia sẻ những câu chuyện mới để thấy cuộc đời đa chiều, nhiều màu sắc", anh kể.
Không chỉ được đáp ứng nhu cầu về thu nhập, sự gắn bó với hãng công nghệ hơn nửa thập kỷ của hai tài xế còn đến từ việc được thỏa đam mê xê dịch, thiện nguyện kết nối cộng đồng.

Chạy Grab giúp bác tài Nguyễn Quang Thắng thỏa niềm đam mê với công nghệ. Ảnh: Hồng Thảo
Theo anh Nguyễn Quang Thắng, cảm giác "nghiện" khám phá các ứng dụng, tiện ích thôi thúc anh gắn bó với Grab. Thay vì công việc chở khách đơn thuần, anh cùng các anh em tài xế tham gia chương trình "Lập bản đồ thành phố" do Grab tổ chức. Bằng việc bổ sung các địa điểm còn thiếu trên bản đồ của ứng dụng dành cho tài xế, anh có thể giúp anh em trong cộng đồng tối ưu lộ trình di chuyển, tiết kiệm thời gian và hoạt động hiệu quả hơn. Mỗi ngày, anh Thắng chỉ nhận dưới 5 cuốc xe, thời gian còn lại, người đàn ông hơn 40 tuổi lại tiếp tục hành trình hoàn thiện tấm bản đồ về các ngõ ngách tại thủ đô.
Những giải bóng đá, chương trình gắn kết,... do hãng xe công nghệ tổ chức cũng giúp gắn chặt hơn mối liên kết giữa các tài xế. Anh Thắng cùng các anh em trong tổ đội thường tổ chức buổi gặp mặt để chia sẻ kinh nghiệm, hạn chế rủi ro khi chạy xe.
Lúc mới gia nhập Grab, anh tham gia gần như đầy đủ các lớp học kỹ năng, từ cứu thương đến đảm bảo an toàn khi thực hiện các cuốc xe đêm. Suốt 6 năm làm tài xế công nghệ, anh Thắng không nhớ mình cùng anh em đã hỗ trợ bao nhiêu chuyến xe bất ngờ hỏng hóc giữa đêm. Những người được anh hỗ trợ, dần trở thành bạn bè và coi nhau như anh em trong nhà.
"Anh em tài xế coi nhau như gia đình", anh Thắng vui vẻ nói.

Các bác tài thêm gắn bó với nhau nhờ những hoạt động giao lưu và các hoạt động thiện nguyện. Ảnh: Quỳnh Như
Tương tự như anh Thắng, anh Văn cũng thấy gắn bó với công việc nhờ những hoạt động thiện nguyện, hay tham gia nhóm cứu hộ anh em tài xế. Giữa năm 2018, anh Văn cùng một số tài xế GrabCar thành lập nhóm cứu hộ 247, luôn sẵn sàng hỗ trợ đồng nghiệp gặp sự cố trên đường.
Nhóm 247 được người đàn ông 50 tuổi miêu tả hoạt động chuyên nghiệp, như một trung tâm cứu hộ khẩn cấp với nhiều bác tài GrabCar. Trong một số trường hợp khẩn cấp, anh Ngọc Văn sẵn sàng tắt ứng dụng để hỗ trợ đồng đội.

Hàng nghìn chuyến xe GrabCar Y tế đã được thực hiện nhờ sự góp sức của các bác tài tại TP HCM và Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Như
Khi đại dịch Covid-19 ập đến, anh là một trong 40 đối tác tài xế tình nguyện tham gia dịch vụ GrabCar Y tế ở Hà Nội. Anh cùng các anh em chở miễn phí nhân viên y tế, vận chuyển mẫu sinh phẩm đến đơn vị xét nghiệm. Người đàn ông 6x thấy tự hào vì đóng góp một phần công sức vào các hoạt động cộng đồng. Với anh, trở thành tài xế GrabCar không chỉ là công việc mưu sinh, mà còn là cơ hội để anh lan tỏa những giá trị nhân văn trong cộng đồng.
Từ quyết định chạy Grab tạm thời, đến nay anh Thắng đã trở thành tài xế công nghệ toàn thời gian và sẽ gắn bó với công việc đến khi "không thể chạy xe được nữa". Còn anh Văn, những chuyến xe công nghệ không chỉ đơn giản là kế sinh nhai, đó còn là những chuyến xe "chất đầy" trải nghiệm, bài học quý giá từ hành khách, song cũng là công việc giúp anh lan toả những điều tử tế trong cho cộng đồng.
Hồng Thảo