Bốn lần dịch bùng lên cũng là 4 lần công ty cổ phần Chứng khoán SSI, nơi chị Quyên đang là phó phòng Giao dịch trực tuyến - Khối Dịch vụ Chứng khoán, chia ca làm việc. Công ty chị vẫn thường phản ứng như vậy. Mọi người dường như đã thích nghi với trạng thái bình thường mới, có thông tin Covid-19 quay trở lại là tự khắc bảo nhau: "Anh đến công ty, tôi làm ở nhà", "Lần trước ca 1 tôi ở văn phòng, lần này tôi sẽ "work from home". Cứ thế, mọi người đều rất tự giác, dù nghĩ đến cảnh 2 tuần chỉ nhìn nhau qua máy tính, hay trao đổi công việc bằng ứng dụng, phần mềm, chị cùng các đồng nghiệp cũng thật buồn. "Mọi việc sẽ bị hạn chế hơn, công việc muốn hoàn thành cũng khó khăn hơn, nhưng dù sao vẫn còn được làm việc, được nhận đủ lương. Tôi lại làm việc ở công ty chứng khoán lớn nhất cả nước, ngành chứng khoán một năm trở lại đây khá phát triển, chẳng phải tôi đã may mắn hơn rất nhiều so với bạn bè rồi sao", chị Quyên chia sẻ.
Hàng xóm nhà chị Quyên, từ Tết đến giờ, lương giảm chỉ còn một nửa. Anh chồng công tác tại Hải Dương trở thành F0 trong đợt dịch thứ 3 vừa rồi, mất gần 4 tháng mới có thể đoàn tụ cùng vợ con tại Hà Nội. Một mình người vợ gồng gánh gia đình 4 người trong suốt thời gian vừa rồi. Người bạn từ thời đại học của chị làm trong ngành du lịch, đang hăng hái chuẩn bị vào guồng cho mùa cao điểm mới, quyết tâm làm lại sau một năm tơi tả, giờ cũng đang thở dài vì khách liên tiếp hủy tour. Một cô bạn khác làm quản lý ở rạp phim, cứ 3-4 tháng là một lần thông báo đóng cửa rạp, phim đang chiếu hay sắp chiếu thì cũng phải đắp chiếu. Những lần trước chị còn thấy bạn kêu ca, lần này chỉ còn thấy chấm mấy dấu chấm trên facebook cá nhân.
Chị Quyên tin rằng, quãng thời gian này ai cũng sẽ ghi nhớ trong đời, vô tiền khoáng hậu. Tuy nhiên, trong những ngày khó khăn ấy, chúng ta vẫn còn có những niềm tin yêu để bấu víu. Đó là khi truyền thông công bố tin có thêm một bệnh nhân nhiễm Covid-19 vừa được chữa khỏi. Rồi hình ảnh các y bác sĩ đang thay nhau túc trực ngày đêm, chữa bệnh cho bệnh nhân. Hay những cây ATM gạo, ATM khẩu trang vừa được lắp lên đâu đó thể hiện sự đồng lòng chia sẻ khó khăn của cộng đồng.
Chị cảm thấy an lòng khi gọi điện hỏi thăm một người bạn đang trong khu cách ly và được nghe tâm sự, ở đây rất ổn, các nhân viên y tế đều quan tâm, chăm lo từng giấc ngủ đến miếng ăn. Cháu chị đang du học, được chính phủ đưa về an toàn trên một chuyến bay đặc biệt chở những người Việt Nam hồi hương. "Có những phút thấy lòng bình yên như thế, tôi hiểu, được đánh đổi bằng vô vàn sự hy sinh của rất nhiều người".
Chị Quyên day dứt với câu chuyện đôi vợ chồng bác sĩ cùng làm việc tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở hai. Đang trong ca trực, họ nghe tin mẹ mất, vì nhiệm vụ mà không thể về nhà làm tròn trách nhiệm của một người con. Hai đứa con đang gửi bà trông hộ, giờ cũng không biết sẽ sắp xếp ra sao. Rồi hình ảnh những bác sĩ tranh thủ nằm ngay trên sàn bệnh viện vì quá mệt, hay những bác sĩ ướt sũng mồ hơi khi bộ đồ bảo hộ vừa được thay ra, những vết hằn sâu trên gương mặt vì đeo khẩu trang quá lâu khi làm việc...
Chưa bao giờ, chị cảm nhận được cụm từ "Chống dịch như chống giặc" nghiệt ngã và khốc liệt đến như thế. "Từ tận đáy lòng, tôi vô cùng biết ơn những chiến sĩ áo trắng", chị Quyên tâm sự.
Tình cảm ấy đã được biến thành hành động, ngày 12/5, công ty chị phát động chương trình quyên góp, chung tay hỗ trợ các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch ở 4 bệnh viện Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện K Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng như hỗ trợ Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh - một trong những tâm dịch diễn biến phức tạp trong những ngày vừa qua. Chỉ sau vài ngày phát động, công ty đã góp được ba tỷ đồng.
"Tôi tin rằng, ở hậu phương, chúng tôi đã phần nào hiểu và chia sẻ với những khó khăn với các bác sĩ, nhân viên y tế, thì ở tiền tuyến, các bác sĩ hãy cứ yên tâm, vì còn có một hậu phương vững chắc đang cổ vũ các anh chị, nghiêm túc thực hiện 5K và đồng lòng, đoàn kết chiến thắng dịch bệnh', chị Quyên khẳng định.
Không chỉ đóng góp vật chất, công ty SSI còn tổ chức cho thế hệ nhí vẽ những bức tranh cổ động tinh thần các bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Qua những vẽ, thế hệ con em của chị Quyên và các đồng nghiệp hiểu hơn về tinh thần làm việc quên mình vì cộng đồng của các y bác sĩ.
"Cám ơn các bác sĩ, các nhân viên y tế, đã hy sinh để cho con em chúng ta có một tuổi thơ cũng thật đáng nhớ và an toàn. Những bài học về sự đùm bọc, về tình yêu thương, về sự cảm thông, về ý thức, trách nhiệm, có lẽ sẽ thật sự khó tái hiện một cách chân thực giữa thời bình, nhưng nhờ có các anh chị, đã trở nên sâu sắc, ý nghĩa hơn biết bao nhiêu", chị chia sẻ. Covid-19 đã khiến chúng ta phải có thêm thật nhiều khoảng cách vật lý, nhưng thực tế thì chúng ta đang xích lại gần nhau hơn, biết vui với niềm vui của người khác, biết lo lắng với những nỗi buồn không phải của mình.
"Màu sắc tươi sáng của những bức tranh này, những ước muốn, thông điệp hồn nhiên này chắc chắn sẽ là điều mà chúng ta sẽ làm được trong một tương lai không xa", chị Quyên và rất nhiều người nơi hậu phương tin tưởng.
Kim Anh