Ngay cơ quan tôi, dù trong ngành Y, nhiều cán bộ cũng không đưa con em đi tiêm. Và đây không phải là những trường hợp cá biệt, khi mà cả nước có đến 11 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm vắc xin sởi dưới 50%, và chỉ có 9 tỉnh thành có tỷ lệ trên 80%.
Chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã bắt đầu gặp khó khăn kể từ khi bùng nổ những dư luận không tốt về vắcxin. Chỉ một loại vắc-xin bị nghi ngờ, một vài cán bộ ngành y tế sai phạm trong quy trình tiêm vắc-xin, nhưng một lần bất tín vạn lần bất tin, những cái cá biệt ấy bỗng được quy thành bản chất và rồi cả một chiến dịch quốc gia gặp nguy nan.
Hãy nói một chút về bệnh sởi. Thật ra chưa bao giờ các cơ quan quản lý đánh giá thấp sự nguy hiểm của bệnh sởi. Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, sởi được xếp vào nhóm B, tức là “các bệnh truyền nhiễm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong”. Nhóm A gồm các bệnh “đặc biệt nguy hiểm” như cúm A-H5N1, dịch hạch, đậu mùa...
Theo quyết định 64/2010 của Thủ tướng, thì thẩm quyền công bố dịch thuộc nhóm B là của UBND cấp tỉnh theo đề nghị của Sở Y tế; hoặc của Bộ Y tế, nhưng là trong trường hợp 2 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên đã công bố dịch.
Ở đây cần hiểu rằng “công bố dịch” là một thủ tục hành chính, còn “dịch sởi” đang tồn tại, là một khái niệm tự quy ước, khi có nhiều trẻ mắc sởi, dễ lây lan và các bệnh viện quá tải.
Thủ tục hành chính mang tên “công bố dịch”, thứ mà nhiều người đang bất bình vì không được thực hiện, có thể sẽ không hề giải quyết được “dịch sởi” đang diễn ra.
Những gì đang diễn ra tất nhiên là có trách nhiệm của ngành y tế trong phản ứng, nhưng không phải là tất cả. Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất là sự thiếu niềm tin.
Khi mà một tỷ lệ rất lớn trẻ không được cha mẹ cho đi tiêm phòng, thì câu hỏi đặt ra là tại sao?
Khi mà các phụ huynh không tin tưởng bệnh viện tuyến dưới và đưa thẳng con vào viện Nhi TW dẫn đến quá tải, dẫn đến lây nhiễm chéo, thì câu hỏi đặt ra là tại sao?
Khi mà dịch bùng phát, thay vì bày cho nhau cách chống bệnh, thay vì động viên các y bác sĩ, những người mà tôi biết đang lả đi trong tâm dịch, thì người ta xô vào lên án ngành y, trách Bộ Y tế “không công bố dịch” (dù không phải thẩm quyền của Bộ), thì câu hỏi đặt ra là tại sao?
Đó là khi mà niềm tin trong người dân đã bằng một cách nào đó bị làm cho lung lay.
Ngành y tế chúng tôi cũng có trách nhiệm tuyên truyền, nhưng nó chỉ được duy trì bằng một kinh phí hạn hẹp với lực lượng cán bộ ít ỏi. Để thực hiện một thứ như chiến dịch tiêm chủng quốc gia, hay nâng cao ý thức của người dân trong nhiều khía cạnh y tế khác, cần lực lượng tuyên truyền lớn, vũ khí tuyên truyền mạnh, như là cộng đồng báo chí, mạng xã hội.
Nhưng rất nhiều người làm báo, blogger, cán bộ của nhiều ngành khác, hay là những trí thức có tiếng nói trong xã hội không ở cạnh chúng tôi. Những cái hạt giống “bất tín” với ngành y tế, có thể được tạo ra từ hiện tượng trong ngành thật, nhưng đã được nuôi cấy bằng công sức của rất nhiều người khác.
Lên án thì dễ dàng. Lên án đôi khi cũng cần thiết. Nhưng nếu kết quả của một phong trào lên án, là chỉ có mấy chục phần trăm ông bố bà mẹ đưa con đi tiêm chủng, là điều cần xem lại.
Đó không chỉ là chuyện của ngành y tế, mà nó phát sinh trong mọi lĩnh vực. Những gương người tốt việc tốt, mà tôi tin rằng có tồn tại ở cả các y bác sĩ Viện Nhi đang lả người trong tâm dịch sởi bây giờ, hiếm hoi ở khắp nơi. Ai cũng chỉ thích nói về tiêu cực, ai cũng chỉ tìm lý do để chán nản thêm. Tôi bật máy tính lên, muốn tìm những “chuyện tử tế” để đọc, nhưng khó quá. Hình như cái nhu cầu được nghi ngờ xã hội vốn có sẵn, và ai cũng chỉ muốn đọc chuyện tiêu cực, phát tán và nâng tầm chúng để được thỏa mãn cái nhu cầu ấy.
Cái tỷ lệ 80% trẻ mắc bệnh chưa được tiêm chủng khiến tôi đau lòng. Cuối cùng thì sự sống được duy trì bằng niềm tin hay bằng sự hoài nghi?
Tại sao cái cơ chế “không muốn tin” này lại được tạo ra; tại sao chúng ta bây giờ dễ dàng mất niềm tin ở nhau đến thế, những cán bộ y tế nhận lương theo ngạch bậc, mấy triệu đồng một tháng như chúng tôi không đủ sức để trả lời.
Minh Anh