- Vì sao ông đặt tên cho cuộc triển lãm ảnh sắp tới tại TP HCM là "Việt Nam, cuộc sống trỗi dậy"?
- Lần đầu tiên tôi đến Việt Nam là năm 1987. Đến nay, mọi thứ thay đổi rất nhiều và nhanh. 21 năm qua, tôi luôn thường xuyên tập cho mình nhìn Việt Nam với góc nhìn thật mới mẻ. Ở đây, cuộc sống đang trỗi dậy từng ngày, và điều kiện sống cũng đang thay đổi.
Tôi thường chụp ảnh làng quê Việt Nam nhiều hơn. Hễ bạn bè nói có một ngôi làng nào đẹp, tôi hỏi đường đến đó ngay. Tôi bị mê hoặc bởi những con đường làng, đường mòn nhỏ ở Tuyên Quang. Còn thành phố thì khá giống nhau với những tòa nhà cao tầng.
Nhiếp ảnh gia Nicolas Cornet. Ảnh: Anh Vân. |
- Trong 60 bức ảnh triển lãm, ông có kỷ niệm sâu sắc với bức nào?
- Mỗi bức ảnh là một kỷ niệm. Ví dụ, bức tôi chụp tại một ngôi chùa ở Hà Nội vào năm 2004. Không khí ngôi chùa rất tĩnh lặng. Tôi thấy có bà cụ, giữ nhiệm vụ quét chùa và chăm sóc nơi này. Khi tôi giơ máy ảnh lên chụp, bà vươn thẳng người nhìn tôi, ánh mắt khá kiêu hãnh, không diễn xuất, không lúng túng, mà mạnh mẽ. Tôi thích bức chân dung này. Nó gợi nhớ về những người bà. Bức này được rất nhiều báo, tạp chí ở nước ngoài đăng tải, dù nó chỉ là bức chân dung đơn giản.
Đi học bằng thuyền trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Nicolas Cornet. |
Hay như bức chụp một đám rước dâu trên sông. Cô gái trong bức ảnh lấy chồng qua mai mối. Cô và chồng mới cưới sống trong một ngôi nhà nhỏ. Gian buồng của họ sát cạnh buồng cha mẹ. Tôi cảm nhận điều kiện sống của họ hết sức khó khăn. Nhưng năm ngoái, khi tôi gặp lại nhân vật trong bức ảnh, tôi thấy cuộc sống cô ấy thay đổi khá nhiều. Cô ấy hạnh phúc bên chồng và một đứa con.
- Con người và cảnh vật Việt Nam trong những bức ảnh của ông đều mang nét đẹp dịu dàng, thâm trầm. Ông nghĩ gì khi không ít người nước ngoài đến Việt Nam đôi khi còn sốc trước những hình ảnh như ô nhiễm môi trường, nạn kẹt xe, hay xung đột văn hóa?
- Thực tế có nhiều góc nhìn. Tôi không đến Việt Nam để đưa ra đánh giá hay nhận xét. Công việc của tôi là ghi nhận thực tế đang hiện hữu như nó vốn có, theo ý tưởng và cảm xúc của tôi.
Tôi cũng nghe người ta hay phàn nàn là đến Ấn Độ thì dơ lắm thế này thế nọ... Tôi nghĩ rằng, khi đã bước ra khỏi ngôi nhà, hay đất nước của mình, bạn nên có cái nhìn rộng mở, với một đầu óc rộng mở. Nếu không được như thế thì tốt nhất là chỉ nên ở nhà và đừng đi đâu cả.
Nữ sinh tại một trường làng ở Vĩnh Long. Ảnh: Nicolas Cornet. |
- Có bao giờ ông sắp đặt để chụp được một bức ảnh ưng ý?
- Tôi không thích sự sắp đặt. Những bức ảnh tôi chụp vừa là do tình cờ, vừa nhờ vào sự kiên nhẫn chờ đợi để có bố cục đẹp đúng ý mình.
- Giữa cảm xúc và kỹ thuật, yếu tố nào quan trọng hơn khi muốn chụp bức ảnh đẹp?
- Bạn phải trau dồi mọi kỹ thuật cần thiết nhất. Sau đó quên chúng đi và để cảm xúc dẫn dắt.
Miền quê vùng lũ. Ảnh: Nicolas Cornet. |
- Trong nhiếp ảnh, ông chịu ảnh hưởng từ ai?
- Tôi làm quen với chiếc máy chụp hình khi 12 tuổi. Học sử dụng nó đàng hoàng từ năm 19 tuổi tại một trường dạy về quảng cáo và nhiếp ảnh.
Trong nghề này, phải linh động trong việc học hỏi. Khi tôi đi các nước châu Âu, tôi học cách các nhiếp ảnh gia ở đây đặt bố cục và dùng ánh sáng trong ảnh. Nhưng khi đến châu Á, mọi thứ khác đi từ con người, cảnh vật, màu sắc và ánh sáng. Tôi phải học lại.
Ở Việt Nam, tôi học được rất nhiều từ các bức ảnh của cụ Võ An Ninh, hay nhiếp ảnh gia Đỗ Huân... Có nhiều bức ảnh của cụ Võ đẹp như tranh vẽ và gần với hội họa. Họ là những người thày của tôi.
- Ông có chia sẻ gì dành cho những người trẻ muốn gắn bó với nhiếp ảnh?
- Kiên nhẫn. Nên tìm học thêm về hội họa. Và chụp ảnh vì yêu thích. Tôi thường hay nói nhiếp ảnh gia đều là những người sắp chết đói. Khi có ai hỏi tôi làm nghề gì tôi luôn trả lời mình làm nghề lang thang trên đường. Nhiếp ảnh gia giống như kẻ bụi đời vậy. Tôi phải thường xuyên làm việc ngoài trời từ sáng sớm đến tối mịt.
- Sắp tới ông có những công việc gì gắn bó với hình ảnh Việt Nam?
- Sau triển lãm tại TP HCM, tôi sang Campuchia để thực hiện một cuốn sách ảnh về đất nước này. Sau đó, tôi hợp tác với đài truyền hình quốc gia Đức để thực hiện làm một bộ phim tài liệu về Việt Nam, nằm trong serie phim về các quốc gia châu Á.
- Ông đi và làm việc tại nhiều nước, nhưng vì sao ông lại gắn bó với Việt Nam hơn?
- Vì tôi có nhiều kỷ niệm tại đây, có nhiều bạn người Việt, vợ tôi là người Việt. Tôi thường xuyên đi về giữa Việt Nam và Pháp để thăm bạn bè, gia đình, và làm công việc của mình. Vợ chồng tôi có hai đứa con trai là Thao, 10 tuổi và Lưu, 12 tuổi. Tôi cũng làm giảng viên nhiếp ảnh tại trường sân khấu - điện ảnh TP HCM.
- Có nhiều ảnh được các tạp chí sử dụng và làm việc chăm chỉ nhưng sao ông chưa nhận giải thưởng nào?
- Vì tôi chưa từng gửi ảnh của mình đi tham dự cuộc thi nào cả. Tôi không quan trọng đến giải thưởng. Tại Italy, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, các báo và tạp chí thích sử dụng ảnh của tôi và họ đặt hàng tôi thường xuyên, và tôi cũng bán được hàng trăm bức ảnh cho họ. Đó là phần thưởng lớn nhất.
Anh Vân thực hiện