Tại Lavelle Gallery, từ ngày 3 đến 10/4, 22 bức ảnh đen trắng được trưng bày trong gian phòng 35 mét vuông, tái hiện một thời Nick Út là phóng viên ảnh chiến trường Phú Yên, Quảng Trị, Tây Ninh... Ở vị trí trung tâm của phòng triển lãm là Em bé Napalm - bức ảnh từng gây rúng động thế giới nửa thế kỷ trước, lột tả sự tàn khốc của chiến tranh.
Nick Út chụp Em bé Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972, ghi lại khoảnh khắc Phan Thị Kim Phúc, chín tuổi, hoảng loạn bỏ chạy trong tình trạng không áo quần khi bị bỏng vì bom Napalm. Ông đã đưa bé gái đến bệnh viện kịp thời, cứu sống cô.
Tác phẩm từng được đăng tải khắp thế giới, góp phần kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam. Năm 1973, ảnh nhận giải báo chí Pulitzer. Trong cuộc bình chọn do kênh truyền hình History ở Anh thực hiện năm 2019, nhằm chọn ra những bức ảnh làm thay đổi thế giới, Em bé Napalm dẫn đầu với 37%.
Qua 50 năm, Nick Út vẫn chưa hết ám ảnh khi nhắc lại thời khắc chụp bức ảnh. Ở tuổi ngoài 20, là phóng viên chiến trường của hãng AP, khi tác nghiệp sau trận bom, ông gặp bé gái với thân thể đang cháy, lưng bỏng rát, vừa chạy vừa khóc. Ông bế cô bé đến bệnh viện để cấp cứu. Đến nơi, các bác sĩ từ chối chữa trị vì không đủ điều kiện thuốc men. Với suy nghĩ: "Nếu Kim Phúc qua đời, bức ảnh vừa chụp chẳng có ý nghĩa gì", Nick Út dùng thẻ nhà báo để gây áp lực. Lúc này, bệnh viện huy động bác sĩ, y tá sơ cứu, sau đó đưa Kim Phúc về bệnh viện nhi ở Sài Gòn chữa trị.
* Ông Nick Út nói về thời khắc cứu Kim Phúc 50 năm trước
Trong quá khứ, Nick Út từng nhiều lần bị đạn xoẹt ngang đầu làm cháy tóc, bị thương ba lần ở bụng và đùi. Như bao người từ chiến địa trở về, ông chịu vết thương tâm lý hằn sâu. Nhiếp ảnh gia nói: "Tôi thỉnh thoảng vẫn gặp ác mộng lúc ngủ. Khi gặp bác sĩ, họ bảo tình trạng của tôi đỡ hơn nhiều người cùng hoàn cảnh. Đến giờ, tôi vẫn hạn chế xem những thước phim lịch sử ngày ấy".
Nhiếp ảnh gia từ Mỹ về nước hồi cuối tháng 3, tham gia một số chuyến từ thiện cùng bạn bè. Trong ngày khai mạc triển lãm, ông gặp gỡ lại một số người bạn, hàn huyên chuyện cũ.
Điều Nick Út thấy nhẹ lòng là sau hàng chục năm, các bức ảnh của ông vẫn nguyên vẹn tính thông điệp, góp phần giúp mọi người hiểu thêm về lịch sử. Nhiều cựu chiến binh Mỹ, bạn của Nick Út, khi xem bức ảnh đều nói không mong muốn có chiến tranh. Giờ đây, nhiều người trong số họ sang Việt Nam mở trường học, thư viện cho trẻ em ở các vùng chiến trường xưa như Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh), Bồng Sơn (Bình Định).
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951 tại Long An. Ông có anh trai là Huỳnh Thanh Mỹ - cũng là một phóng viên chiến trường. Khi thấy công việc anh trai làm, ông theo và học hỏi. Sau khi anh trai qua đời, Nick Út được hãng AP nhận làm việc, tiếp tục công việc.
Chiến tranh kết thúc, Nick Út sang Mỹ định cư và làm phóng viên của hãng AP tại Los Angeles, theo dõi tin tức từ động đất, cháy rừng cho đến thể thao, ngôi sao điện ảnh. Tháng 1/2021, nhiếp ảnh gia được Tổng thống Donald Trump trao Huân chương nghệ thuật quốc gia.
Nghỉ hưu năm 2017, đến nay, ở tuổi 71, ông cho biết sức khỏe còn dẻo dai. Nick Út thường mang theo máy ảnh bên mình để sáng tác về cuộc sống, thiên nhiên. Tháng 5 này, ông thực hiện một cuộc triển lãm ở Italy.
Triển lãm tại TP HCM còn đưa người xem đến với không gian trưng bày tác phẩm A child (Em bé) của nghệ sĩ điêu khắc người Pháp - Émeric Chantier. Diễn viên Đỗ Hải Yến nói khi xem triển lãm ở Paris năm 2017, ngắm A child, cô liên tưởng đến thông điệp hòa bình trong bức Em bé Napalm. Đọc những dòng giới thiệu tác phẩm, cô vỡ òa khi biết tác giả lấy cảm hứng từ bức ảnh nổi tiếng của Nick Út. Diễn viên quyết định mua lại, đem về nước cách đây 5 năm. Từ đó đến nay, tác phẩm luôn được bảo quản trong phòng kín ở mức nhiệt 22 độ C.
Người xem được thưởng thức A child qua hình thức kết hợp âm thanh, ánh sáng của nghệ thuật thị giác (visual art). Giữa không gian xanh, giai điệu bài Trái đất này là của chúng mình (nhạc Trương Quang Lục, thơ Định Hải) vang lên, gửi thông điệp về khát vọng hòa bình.
Tân Cao (ảnh: Lavelle)