Chủ nhật, 5/1/2025
Thứ tư, 11/1/2017, 07:00 (GMT+7)

Nick Út: Phải kết hợp chụp nhiều với lý thuyết

Tác giả bức ảnh "Em bé napalm" nổi tiếng khuyên người yêu nhiếp ảnh Việt nên đọc thêm những cuốn sách về lĩnh vực này để phát huy khả năng sáng tạo.

Cuối tuần trước, Nick Út đã có dịp về Việt Nam và dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm nhiếp ảnh của mình tại một sự kiện tổ chức ở TP HCM. Theo ông Út, thông qua nhiều tác phẩm từng xem qua, nhiếp ảnh Việt Nam đã tiến bộ hơn rất nhiều so với những lần ông về trước đó. "Nhiếp ảnh gia và cộng đồng yêu thích nhiếp ảnh Việt đông đảo hơn, cho ra nhiều bức ảnh chất lượng hơn, không thua kém các nhiếp ảnh gia quốc tế", ông Út nhận định.

Ông cho rằng nhiếp ảnh hiện đại, trong đó có nhiếp ảnh báo chí có nhiều thuận lợi, đặc biệt khi công nghệ cho máy ảnh và các phương tiện hỗ trợ ngày càng nhiều. Đây chính là yếu tố để nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển, tương lai sẽ cho ra những bức ảnh không chỉ trong nước mà thế giới cũng phải "trầm trồ thán phục".

Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia 66 tuổi cũng cho rằng, các bạn trẻ yêu thích nhiếp ảnh Việt Nam dù thừa đam mê nhưng chưa đủ kỹ năng. "Các bạn cầm máy ảnh, chụp và chụp mà không biết làm như thế để làm gì. Có ý kiến cho rằng chụp để 'lên tay', nhưng nếu không kết hợp với lý thuyết thì rất khó có bức ảnh đẹp", ông cho biết.

Theo ông Út, khi bắt đầu chụp ảnh, người chụp nên đọc nhiều sách hơn, đặc biệt là sách của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng trong và ngoài nước. Điều này cộng với chụp ảnh thường xuyên sẽ giúp việc rèn luyện hiệu quả hơn.

"Khi kết hợp được những yếu tố đó, hình ảnh sẽ trở nên có hồn hơn. Một bức ảnh đích thực là bức ảnh không cần xem nội dung phía dưới, người ta vẫn hiểu chuyện gì đang xảy ra", ông Út nhấn mạnh.

Buổi chia sẻ đã thu hút được rất nhiều nhiếp ảnh gia kỳ cựu, cũng như người yêu thích nhiếp ảnh tham gia. Anh Quốc Hoàng, một người yêu nhiếp ảnh đến từ Nghệ An và đã có trên 5 năm chụp ảnh, chia sẻ, anh hâm mộ nhiếp ảnh gia Nick Út đã lâu nhưng đến bây giờ mới có dịp gặp mặt. "Ngay khi biết chú Nick Út về Việt Nam, tôi đã lập tức vượt hơn 1.000 km chỉ để gặp thần tượng của mình", anh Hoàng nói.

Anh Duy, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM cho biết, anh hâm mộ tác giả bức ảnh "Em bé napalm" đã rất lâu nhưng bây giờ mới có dịp gặp mặt. "Kinh nghiệm của chú Nick Út thật sự bổ ích, mình học được nhiều điều lắm", anh Duy nói.

Nhiều khán giả còn quay trực tiếp những chia sẻ của nhiếp ảnh gia Nick Út lên mạng xã hội.

Phía dưới hàng ghế khán giả còn xuất hiện chị Danielle Phan (bên trái), cháu gái của bà Phan Thị Kim Phúc. Bà Phúc là em bé khỏa thân và bị bỏng nặng do bom napalm trong bức hình "Em bé napalm" nổi tiếng.

Bên cạnh việc được nghe nhiếp ảnh gia Nick Út chia sẻ kinh nghiệm, người tới dự còn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập ảnh "Nhóm bạn tuổi Gà" của các nhiếp ảnh gia sinh năm 1969 (Kỷ Dậu) đến từ khắp mọi miền trên cả nước, như TP HCM, Đắk Lắk, Hà Nội, Hải Phòng... Đây là những tác phẩm được các chuyên gia đánh giá cao.

Nick Út (Huỳnh Công Út) là nhiếp ảnh gia gốc Việt, là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press (AP). Ông được biết tới với nhiều tác phẩm, trong đó nổi tiếng nhất là bức ảnh "Em bé napalm" (Vietnam Napalm Girl). Tác phẩm này giúp ông giành được giải thưởng Pulitzer danh giá. Ngoài "Em bé napalm", Nick Út còn có nhiều tác phẩm khác về cuộc sống, môi trường, cháy rừng, thể thao, điện ảnh... và từng có nhiều bức ảnh để đời trong thời gian tác nghiệp tại Việt Nam.

Bảo Lâm