Đã hơn một tháng nay, điện thoại của anh Nguyễn Hoài Thanh, 32 tuổi, liên tục đổ chuông bởi có người gọi đến hỏi chỗ trọ. Căn nhà rộng 30 m2 nằm trên đường Cách mạng tháng 8, phường 11, quận 3 của gia đình anh đã thành nơi ở miễn phí cho 6 sinh viên từ tháng 2, khi các trường đại học mở cửa trở lại sau dịch.
"Thấy các bạn trẻ chật vật đi tìm nơi trọ mà giá phòng tăng cao, tôi nảy ý tưởng biến ngôi nhà này thành ký túc xá miễn phí còn vợ chồng lại ra ngoài thuê", anh Thanh, chủ một tiệm cắt tóc, nói.
Sau khi bàn với vợ, anh đi mua thêm các vật dụng thiết yếu, lắp giường tầng, điều hòa... để đón người vào ở với lời hứa "cho ở đến khi ra trường". Không chỉ miễn phí tiền phòng, trường hợp nào quá khó khăn, vợ chồng anh Thanh còn hỗ trợ thêm tiền điện, nước.
Anh Thanh mua căn nhà này từ năm 2018, sau nhiều năm bươn chải đủ nghề tại Sài Gòn. Trước khi thành nơi ở của 6 sinh viên, anh cho 3 đến 4 lao động nghèo, người vô gia cư trọ miễn phí. Giữa năm 2021, căn nhà lần đầu bị bỏ trống, khi người lao động về quê tránh dịch.
Nhiều năm cùng chồng đi ở trọ, vợ anh Thanh chưa từng than vãn, ngược lại luôn ủng hộ quyết định của chồng. "Biết tính chồng, tôi động viên anh không làm quá sức. Còn việc nhà, công việc tại quán cắt tóc tôi nhận hỗ trợ thêm", người vợ nói.
Bị nhiều người nói "gàn dở, đưa nhà cho người dưng rồi đi thuê trọ", nhưng anh bỏ ngoài tai vì "hiểu sự vất vả, túng thiếu của người dân nghèo lên thành phố".
Ông chủ tiệm tóc nhớ về quãng thời gian 22 năm trước, khi tròn 9 tuổi đã theo gia đình từ Đồng Nai đến TP HCM mưu sinh. "Bữa đói nhiều hơn bữa no, nhưng nỗi sợ lớn nhất của tôi là không đủ tiền đóng trọ, bị đuổi ra đường. Đến giờ, tôi muốn các bạn sinh viên có cuộc sống tốt hơn, đừng vì vật lộn mưu sinh mà bỏ lỡ cơ hội học tập và mong rằng khi thành đạt họ có thể quay lại giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn khác", anh Thanh bộc bạch.
Trong số các sinh viên được anh Thanh giúp đỡ có Đức Anh, ở Long An, sinh viên trường Cao đẳng nghề TP HCM. Sau kỳ nghỉ Tết, cậu sinh viên năm hai lên thành phố tìm trọ. Đang loay hoay tìm người ở ghép vì giá phòng tăng cao, Đức Anh đọc được bài đăng của anh Thanh. Nghi ngờ nhưng cậu vẫn thử liên hệ.
Sau cuộc trò chuyện gần một tiếng, nam sinh dọn vào nơi ở mới. Nghe con trai khoe được ở trọ miễn phí, mẹ Đức Anh không tin, dặn phải cẩn thận bởi "chẳng có người xa lạ nào tự nguyện giúp không công". "Nhưng được gặp và tiếp xúc với anh Thanh, tôi nhận ra lòng tốt vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống này", cậu sinh viên xúc động.
Căn nhà 30 m2 đã kín nhưng số sinh viên xin được giúp đỡ ngày càng nhiều, anh bàn với vợ thuê thêm ba căn nhà khác tại quận 5, quận 8 và quận Phú Nhuận, vì "không thể từ chối". Đến nay, bốn căn nhà của anh Thanh đã đón 15 sinh viên dù kinh tế gia đình anh không hề dư dả sau nhiều tháng không có thu nhập vì đại dịch.
"Thú thực, tôi chưa thể thuê thêm nhiều phòng hỗ trợ sinh viên vì kinh tế eo hẹp. Nhưng chắc chắn trong thời gian tới, tôi sẽ mở rộng mô hình tại quận Bình Thạnh, Gò Vấp, TP Thủ Đức và nhiều hơn nữa", anh cười và nhấn mạnh chưa bao giờ mong được trả ơn, mà chỉ muốn thấy nụ cười trên gương mặt của các sinh viên.
Đây không phải là lần đầu ông chủ tiệm tóc làm việc thiện. Năm 2018, anh Thanh mở tiệm cắt tóc và dạy nghề cho những bạn trẻ khó khăn, gặp nhiều biến cố không còn khả năng đi học, có công việc ổn định. Năm 2020, anh tổ chức cắt tóc với giá 2.000 đồng cho sinh viên đại học trên cả nước. Đến tháng 6/2021, anh lập một đội chuyên cắt tóc tại các bệnh viện dã chiến, phục vụ đội ngũ nhân viên y tế, bệnh nhân Covid-19 và trẻ em mồ côi.
"Chỉ cần giúp được người khác, khó khăn nữa tôi cũng làm", anh cười.
Quỳnh Nguyễn