Uri Wilensky, giáo sư khoa Điện toán ở Northwestern University (Mỹ), người cùng qua đường với Papert khi đó, cho biết, tai nạn xảy ra khi hai ông đang nói chuyện về kế hoạch xây dựng một mô hình toán học mô tả các con phố nổi tiếng với tình trạng giao thông lộn xộn của Hà Nội. Họ qua một ngã tư "rất khó đi" và không có đèn giao thông. Hai người cố gắng tránh các xe máy đan chéo quanh mình. Rồi một chiếc xe máy lao tới và đâm vào Papert.
Vị giáo sư hôn mê trong nhiều tuần và phải chịu đựng những di chứng nặng nề. Sau 10 năm chống chọi với bệnh tật, ông qua đời năm 2016. Tai nạn đau lòng này không chỉ là nỗi mất mát lớn với giới học thuật mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của Việt Nam về sự khuyết thiếu một nét văn hóa giao thông sơ đẳng: nhường đường cho người đi bộ.
Ở Việt Nam, không nhường đường cho người đi bộ là một hành vi phổ biến. Phần lớn lái xe không coi đây là nghĩa vụ pháp lý. Làn đường dành cho người đi bộ thường xuyên bị lấn chiếm, thậm chí bị sử dụng làm nơi dừng đỗ xe. Người đi bộ, dù tuân thủ đúng luật, vẫn đối diện nguy cơ bị phương tiện cơ giới đâm phải, với vô số tai nạn nghiêm trọng như trường hợp của giáo sư Papert. Điều này đặt ra câu hỏi: phải chăng một sự thay đổi cứng rắn trong cách thực thi luật là điều cần thiết?
Nghị định 168/2024 ra đời là một bước đi mạnh mẽ để góp phần giải quyết tình trạng này. Theo quy định mới, mức phạt với hành vi không nhường đường cho người đi bộ được nâng lên đáng kể: 1-2 triệu đồng đối với xe máy và 4-6 triệu đồng đối với ôtô.
Đây là động thái thể hiện sự quyết tâm lập lại kỷ cương giao thông, nhưng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Nhiều người cho rằng mức phạt quá cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là các tài xế lao động phổ thông. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh, sự thay đổi lớn lao không thể đạt được nếu thiếu đi các biện pháp mạnh mẽ, cứng rắn và quyết liệt.
Hơn một thập kỷ trước, quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từng vấp phải sự phản đối kịch liệt. Nhiều người dân khi đó cho rằng đội mũ gây nóng bức, bất tiện và không cần thiết, nhất là trên những quãng đường ngắn. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn kiên định thực thi quy định, với các mức phạt nghiêm khắc với người vi phạm. Kết quả là tỷ lệ đội mũ bảo hiểm tăng từ 30% lên hơn 90% chỉ trong vòng một năm, giúp giảm 25-30% số ca tử vong và chấn thương sọ não do tai nạn giao thông. Thành công này không chỉ cứu mạng hàng nghìn người mà còn thay đổi hoàn toàn nhận thức xã hội về an toàn giao thông.
Tương tự, Nghị định 100/2019 về xử phạt nặng đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia cũng từng gây tranh cãi. Mức phạt lên tới 30-40 triệu đồng với ôtô, cùng việc tước giấy phép lái xe, bị nhiều người cho là quá khắt khe. Thế nhưng, chỉ sau một năm áp dụng, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm 12%, số người chết giảm 8%, và số người bị thương giảm 14%.
Những chính sách nghiêm khắc ban đầu, dù gây khó khăn, vẫn là cần thiết để thay đổi ý thức và hành vi của xã hội.
Nghị định 168 được kỳ vọng mang lại sự thay đổi tương tự. Việc nâng mức phạt không chỉ mang tính răn đe mà còn đặt nền tảng thiết lập văn hóa giao thông văn minh hơn.
Tuy nhiên, sự thay đổi không thể chỉ dựa vào mức phạt mà phải đi kèm các biện pháp hỗ trợ khác như tuyên truyền, giáo dục và cải thiện hạ tầng. Người dân cần được giải thích rõ ràng về lý do và ý nghĩa của các quy định, từ đó thay đổi nhận thức một cách tự nhiên, thay vì chỉ tuân thủ vì sợ phạt. Đồng thời, cần đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng và xây dựng các vạch qua đường, cầu vượt, hoặc hầm chui an toàn, giúp người đi bộ dễ dàng di chuyển mà không lo sợ bị xe đâm.
Sự thay đổi trong văn hóa giao thông là một quá trình lâu dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng lịch sử đã cho thấy những bước đi mạnh mẽ với sự kiên quyết và hành luật minh bạch từ giới chức, là điều kiện tiên quyết để đạt được thành công.
Những tai nạn thương tâm như với giáo sư Seymour Papert không chỉ cướp đi sức lao động, mạng sống của con người mà còn làm tổn hại đến hình ảnh của cả một quốc gia. Nghị định 168 không chỉ là một văn bản pháp lý, mà còn là sự khẳng định thái độ sẵn sàng chấp nhận những phản ứng ban đầu để đạt được mục tiêu lớn hơn: một tương lai giao thông an toàn, hiện đại và văn minh hơn.
Đinh Hồng Kỳ