Khi Covid-19 bùng nổ, hàng nghìn du học sinh Việt Nam bắt những chuyến bay về nước trước khi những cánh cửa biên giới đóng lại, bước vào giai đoạn cách ly. Khi đại dịch chưa chấm dứt và các đường bay mới nối lại, nhiều du học sinh chọn hướng chuyển kết quả về nước học tập. Động thái này có thể mở ra cơ hội cho các mô hình giáo dục chất lượng cao trong nước.
Thị trường giáo dục ngoài công lập
Thị trường giáo dục ngoài công lập tại Việt Nam khá sôi động, mang đến cho phụ huynh hàng chục sự lựa chọn ở mỗi phân khúc với chất lượng đầu ra gần tương đồng với việc du học ở nước ngoài.
TP HCM hiện hơn 1.000 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập, trong đó có 22 cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài được Sở Giáo dục và Đào tạo công nhận.
Ngoài học phí và chương trình học thì uy tín và bề dày lịch sử của tổ chức giáo dục cũng là yếu tố nhiều phụ huynh cân nhắc. Sự kiện toàn về cấu trúc chương trình, phương pháp giảng dạy, đội ngũ giáo viên và quản lý cấp cao thường chỉ có được qua nhiều năm kinh nghiệm vận hành.
Phụ huynh có thể nhìn thấy định hướng giáo dục và quá trình phát triển của nhà trường thông qua việc mở rộng quy mô hoạt động, sự gia tăng của số lượng học sinh và nhất là chất lượng đầu ra sau khi tốt nghiệp.
Tại Việt Nam, chương trình giáo dục quốc tế chia thành 2 loại hình chính gồm chương trình quốc tế hoàn toàn và chương trình đào tạo song ngữ. Cả hai chương trình này đều được xây dựng và thiết kế theo tiêu chuẩn giảng dạy của các nước phát triển trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc...
Trong giai đoạn toàn cầu đang thực hành tiết giảm chi tiêu để phòng ngừa ảnh hưởng kéo dài do kinh tế trì trệ sau dịch bệnh, việc cho con theo học trường quốc tế hoàn toàn hay quốc tế song ngữ là bài toán đường dài mà phụ huynh cân nhắc. Xác định khả năng tài chính của gia đình, mục tiêu đầu ra cho trẻ và sự đồng thuận về quan điểm giáo dục với nhà trường là những yếu tố cần quan tâm.
Ở phân khúc giảng dạy chương trình song ngữ quốc tế, đơn cử như trường Quốc tế Việt Úc (Vietnam Australia International School - VAS) được nhiều gia đình lựa chọn.
Đại diện VAS cho biết, bậc trung học cơ sở, học phí của trường dao động 209-285 triệu đồng một năm, trung học phổ thông 287-477 triệu đồng một năm, mầm non đến tiểu học ở khoảng 154-209 triệu đồng một năm. Trường có nhiều thời lượng giảng dạy chương trình Cambridge trong khối các trường song ngữ. Học sinh tốt nghiệp được nhận bằng Trung học Đại cương Quốc tế (IGCSE) và Tú tài Nâng cao (A level) do CAIE cấp.
Tầm quan trọng của tiếng Việt và văn hóa quốc gia
Một lợi thế khác ở các trường quốc tế song ngữ là bổ sung cho trẻ vốn tiếng Việt và các giá trị lịch sử, văn hóa quốc gia, niềm tự hào dân tộc.
Đại diện VAS cho biết, khi tri thức của thế giới đã được san bằng, ý thức dân tộc và bản sắc quốc gia góp phần định hình nhân cách và sự khác biệt của mỗi con người. Thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ và hiểu biết về nguồn cội dân tộc cũng là ưu thế cạnh tranh cho các công dân toàn cầu tương lai khi trở về làm việc tại Việt Nam hoặc khu vực châu Á.
"Tại VAS, sự kết hợp hài hòa giữa đội ngũ giáo viên chất lượng, nhiệt huyết và tương đồng về văn hóa với học sinh từ chương trình giáo dục quốc gia và các giáo viên nước ngoài của chương trình quốc tế Cambridge mang đến cho học sinh góc nhìn đa chiều, vừa giàu bản sắc dân tộc, vừa cởi mở thu nạp những nền văn hóa và tri thức Tây phương", đại diện VAS nói thêm. Đây cũng là tiền đề giúp các em dễ dàng giao thoa văn hóa và thích nghi với lối sống, phương thức học tập mới khi đi du học.
Ngọc An