Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng năm cao nhất thế giới. Kế hoạch tăng trưởng GPD năm 2025 Chính phủ đặt ra là 8%, thậm chí 10% nếu thuận lợi, trong khi năm ngoái, mức tăng trưởng kế hoạch chỉ 5-6%.
Để đạt mục tiêu này, Chính phủ có kế hoạch dự chi hơn 790.000 tỷ đồng cho đầu tư công, cao hơn 18% so với năm ngoái. Ngoài ra, chính sách giảm thuế, giá trị gia tăng 2% tiếp tục được duy trì và kéo dài đến giữa năm 2025, cùng với đó là kế hoạch tinh gọn bộ máy nhà nước. Điều này sẽ giúp tiết kiệm và tập trung nguồn lực đầu tư cho giai đoạn 2025 trở đi.
Tiến sĩ Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán DNSE cho rằng, mũi nhọn tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2025, trước hết đến từ đầu tư công.
Đầu tư công là một trong những cách tạo ra động lực cho tăng trưởng GDP. Các dự án tiêu biểu có dự án cao tốc Bắc - Nam kéo dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau. Giai đoạn 1 của dự án này đã hoàn thành và vấn đề giải phóng mặt bằng về cơ bản cũng được hoàn thành trong năm 2024, tuy nhiên vẫn còn một số vướng mắc về vấn đề nguyên vật liệu và quá trình thi công.
Thứ hai là dự án sân bay Long Thành. Những gói thầu lớn như nhà ga đã hoàn thành phần móng, tiến độ thi công đã vượt hơn 10 ngày. Các gói thầu khác như đường cất cánh và hạ cánh hoàn thiện 30-50%.
Thứ ba, siêu dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đã được Chính phủ phê duyệt với tổng mức đầu tư sơ bộ ước tính 67,34 tỷ USD. Đây được xem là dự án trọng tâm, chủ chốt của nền kinh tế giai đoạn tiếp theo với kế hoạch dự kiến, khi đường sắt này đi vào vận hành, tốc độ di chuyển có thể lên đến 350 km một giờ, phục vụ cho các công việc như vận chuyển hàng hóa, quốc phòng hay an sinh xã hội. Tuy nhiên, thời gian của những dự án này có thể phải tính đến hàng năm và tất nhiên sự chú trọng tập trung vào đầu tư công sẽ kéo theo các ngành nghề đa dạng như xây dựng , nguyên vật liệu, vận tải hay thậm chí cả xăng dầu.
Sau đầu tư công, xuất khẩu sẽ là động lực quan trọng cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh Tổng thống Trump áp thuế tới 6% cho các mặt hàng từ Trung Quốc. Nếu không nằm trong diện bị áp thuế cao hơn so với các quốc gia lân cận, Việt Nam hoàn toàn có lợi khi cung cấp được các nguồn hàng thay thế cho Trung Quốc đối với thị trường Mỹ.
Song song đó, Chính phủ sẽ phải linh hoạt và đa dạng với những công cụ hiện có để đảm bảo các chỉ số quan trọng như tỷ giá, lạm phát hay lãi suất nhằm hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế trong nước tăng trưởng và phát triển. Trong tình huống này, ngành ngân hàng vẫn luôn là trụ cột của thị trường dù đang phải đối mặt với bài toán nợ xấu có xu hướng gia tăng trong thời gian tới, cùng với đó là mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Chính phủ đề ra.
Ngân hàng Nhà nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khá cao trong năm 2025, khoảng 16%, đây là một trong những quân bài có thể hỗ trợ nền kinh tế trong nước. Mặt khác, theo chuyên gia của DNSE, định giá của ngành ngân hàng hiện tại vẫn hấp dẫn khi chỉ số P/B đang ở mức 1,5 lần, thấp hơn 12% nếu so sánh với trung bình 5 năm chính ngành này hay so với VNIndex.
"Trong năm 2025, Việt Nam cũng sẽ tập trung đẩy mạnh vào công nghệ, đặc biệt là những ngành công nghệ cao", chuyên gia DNSE nhận định.
Với sự gia nhập của NVidia, ngành công nghệ cao tại Việt Nam sẽ được chú trọng hơn, đặc biệt trong những ngành đòi hỏi yêu cầu về trình độ và kiến thức chuyên môn như bán dẫn hay AI. Ngoài các "ông lớn" như FPT, CMC, mã cổ phiếu của các doanh nghiệp nắm được lợi thế trong việc phát triển công nghệ vào hoạt động cũng sẽ được quan tâm. Bên cạnh đó, sự ứng dụng rõ ràng của công nghệ trong các ngành như giáo dục, y tế hay tiếp tụ cụ thể hơn trong năm 2025.
Ông Hồ Sỹ Hòa cho rằng, 2025 là cơ hội để gia tăng tích sản, nhưng khó hơn cho các cá nhân "lướt sóng". Vị chuyên gia cũng khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân nên tập trung vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và khả năng tăng trưởng dài hạn.
Anh Vũ