Ngành bảo hiểm đang trong giai đoạn chuyển đổi số những năm gần đây. Sự chuyển dịch này thậm chí còn được đẩy nhanh hơn nữa trước những thách thức chưa từng có từ đại dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, dù không phải là ngành tiên phong ứng dụng công nghệ tiên tiến, song công nghệ đang đem đến nhiều giải pháp sáng tạo, mở đường cho tương lai ngành bảo hiểm.
Công nghệ nâng trải nghiệm khách hàng
Theo một khảo sát của PWC, một nửa số người tiêu dùng khi được hỏi sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân, lối sống để tìm kiếm một sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Do đó, việc triển khai tiếp thị tự động hóa và phần mềm CRM, tính năng đề xuất hỗ trợ bởi AI, các công cụ Ad / MarTech... được cho là cách hiệu quả để xây dựng mối quan hệ lâu dài, nuôi dưỡng lòng trung thành của khách hàng.
Trong kỷ nguyên số hóa, người mua bảo hiểm có thể dễ dàng tìm hiểu, đánh giá năng lực của công ty bảo hiểm nhờ Internet, như thông tin như giá cả, cách giải quyết yêu cầu bồi thường trước khi gia hạn bảo hiểm.
Do đó, với các công ty bảo hiểm, một chiến lược quan trọng là thấu hiểu khách hàng toàn diện, từ đó tạo ra các sản phẩm và dịch vụ phù hợp, đáp ứng nhu cầu của họ trên nền tảng kỹ thuật số. Các kế hoạch tiếp thị cũng nên thỏa mãn các đối tượng là người tiêu dùng có hiểu biết về công nghệ.
Đẩy mạnh ứng dụng di động
Với ứng dụng bảo hiểm trên di động, việc tương tác, truy cập vị trí của khách hàng, thu thập dữ liệu trở nên dễ dàng hơn. Trong tương lai, đây sẽ là kênh đầu mối quan trọng giữa khách hàng tiềm năng và các nhà bảo hiểm, thực hiện toàn bộ quy trình từ giao dịch đến khi giải quyết khiếu nại.
Theo các chuyên gia, năm 2021, ứng dụng bảo hiểm trên di động sẽ ngày càng đa dạng hóa các tính năng, giao diện thân thiện và tăng tính cá nhân trong trải nghiệm. Bên cạnh đó là các yêu cầu về bảo mật dữ liệu, khả năng tương thích trên nhiều thiết bị và chuyển đổi. Xu hướng này đặt ra cuộc đua về các chiến lược di động dành riêng cho ứng dụng bảo hiểm.

Công nghệ bảo hiểm giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, các thủ tục giấy tờ truyền thống.
Ứng dụng AI
Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, trí tuệ nhân tạo sẽ "đại tu" tất cả các khía cạnh của ngành bảo hiểm, với các công nghệ như cảm biến sinh học, thuật toán học sâu..
Nhiều công ty bảo hiểm tại Việt Nam đã có bước thử nghiệm ra mắt thị trường công cụ tư vấn trực tuyến, tích hợp AI để trò chuyện với khách hàng, hay hỗ trợ đặt lịch hẹn với chuyên viên tư vấn. Từ đó, trải nghiệm khách hàng và tính cá nhân hóa sẽ được nâng cao.
Để chống gian lận, các công ty bảo hiểm cũng ứng dụng AI để xử lý khiếu nại, với tốc độ và năng suất gấp nhiều lần con người. Các chỉ số này bao gồm tần suất khiếu nại, hành vi trong quá khứ, điểm tín dụng...
An toàn dữ liệu
Sự tin tưởng của khách hàng là yếu tố sống còn cho hoạt động của một doanh nghiệp bảo hiểm. Các nhà cung cấp dịch vụ bảo hiểm có quyền khai thác, nắm giữ thông tin khách hàng, việc rò rỉ những dữ liệu quan trọng này dễ đưa "thượng đế" của họ vào nguy cơ đứng trước các cuộc tấn công mạng. Điều này ảnh hưởng lớn đến thương hiệu và niềm tin của khách hàng.
Do đó, các doanh nghiệp bảo hiểm coi công nghệ bảo mật là yếu tố hàng đầu trong xây dựng, phát triển sản phẩm, dịch vụ. Các công nghệ nhằm phát hiện, ngăn chặn xâm nhập, kiểm tra bảo mật định kỳ, kế hoạch dự phòng sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và nâng cao tính bảo mật của hệ thống. "Lời hứa" về tính bảo mật dữ liệu chính là yếu tố thuyết phục khách hàng nhất.
Công nghệ chuỗi khối
Vượt trội trong phát hiện gian lận và ngăn ngừa rủi ro, blockchain là một trong những công nghệ ưu việt để triển khai trong ngành bảo hiểm.
Trên nền tảng blockchain, thông tin người dùng sẽ được lưu trữ một cách xác thực và vĩnh viễn. Dữ liệu được dùng để phân tích và dự đoán hành vi gian lận của người dùng từ lịch sử giao dịch của họ.
Công nghệ này cũng cắt giảm các thủ tục giấy tờ, hỗ trợ các trường hợp mất mát tài liệu cần thiết ảnh hưởng đến việc xử lý khiếu nại. Ngoài ra, với Smart Contracts, khi các thông tin đáp ứng tiêu chí hợp đồng, các điều khoản của thỏa thuận bảo hiểm được thực hiện tự động ngay lập tức.
Phong Vân