Xác ướp người Ai Cập cổ đại luôn là tâm điểm nghiên cứu của các nhà khoa học. Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về nghệ thuật ướp xác, các nhà nghiên cứu đã đồng thời phát hiện ra nhiều cách thức sáng tạo bảo tồn người chết từ các nền văn hóa khác nhau.
Xác ướp đầm lầy
Ít ai biết người Ireland và Đan Mạch có cách bảo tồn xác chết rất độc đáo: lưu giữ trong đầm lầy. Môi trường thiếu oxy nên sẽ hạn chế được lượng vi khuẩn thối rữa. Vì thế, phương pháp này cho phép lưu giữ xác chết qua hàng thiên niên kỷ. Một trong những xác chết đầm lầy được phát hiện gần đây nhất vào năm 2011 có niên đại lên tới 4.000 năm tuổi, lâu hơn vua Tutankhamun của Ai Cập khoảng 500 năm.
Xác ướp Chinchorro
Chinchorro của Chile là xác ướp lâu đời nhất thế giới có niên đại vào khoảng 9.000 năm trước.
Để tạo ra một xác ướp, người Chinchorro phải loại bỏ nội tạng ra khỏi cơ thể rồi thay bằng tro và than nóng, sau đó đưa vào trong một khoang cây rỗng để làm khô xác chết. Điều đặc biệt là khác với Ai Cập - ướp xác chỉ dành cho giới thượng lưu thì người Chinchorro tiến hành ướp xác cho mọi tầng lớp xã hội. Không ai biết nguyên nhân của tục lệ này, nhưng nhiều người cho rằng nó xuất phát từ niềm tin vào cuộc sống ở thế giới bên kia, khi con người chính thức bước vào cõi vĩnh hằng.
Xác ướp của thế kỷ 21
Ngày nay, người dân Papua New Guinea vẫn giữ phong tục ướp xác tổ tiên. Khi người thân qua đời, cơ thể họ được đặt trong một túp lều rồi hun khói cho đến khi da và nội tạng khô lại. Sau đó, người chết sẽ được bọc trong đất sét để duy trì trạng thái nguyên vẹn và đưa đến một ngôi đền rừng. Đây là nơi mọi người tới cầu mong sự che chở và hỏi xin lời khuyên trong những thời điểm khó khăn.
Xem thêm: Nghĩa trang nơi người sống sinh hoạt cùng người chết ở Ai Cập
Hải Thu