6 cảnh sát, bộ đội bị bắn trọng thương, trong đó có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng. 6 người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị khởi tố tội giết người, chống người thi hành công vụ. Vụ nổ súng sáng 5/1 không chỉ tồi tệ nhất trong lịch sử cưỡng chế ở Hải Phòng mà còn làm chấn động dư luận cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh việc vi phạm pháp luật của người dân, nhiều vấn đề cũng đã được đặt ra.
Hơn 20 năm trước, cống Rộc, vùng đất ven sông cửa biển thuộc xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phong vẫn còn hoang hóa. Gia đình ông Đoàn Văn Vươn cùng nhiều hộ dân đã xin địa phương khai hoang.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền, năm 1993, huyện giao 21 ha đất bãi bồi ven biển cho ông Vươn. Sau đó ông Vươn “tự ý đắp bờ bao” lấn ra biển thêm 19,3 ha phía ngoài, rồi đề nghị hợp thức hóa và năm 1997 được huyện ra quyết định giao đất bổ sung. Hết thời hạn giao đất, huyện đã ra quyết định thu hồi toàn bộ diện tích 40,3 ha đầm của ông Vươn, trong đó có cả 19,3 ha mới làm thủ tục giao bổ sung.
Theo ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP Hải Phòng, sở dĩ huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn dưới 20 năm là do quyết định giao đất cho ông Vươn ký ngày 4/10/1993, thời điểm trước khi Luật Đất đai 1993 có hiệu lực (15/10/1993). Vì vậy huyện căn cứ vào Luật đất đai năm 1987. Riêng đối với khu đầm 19,3 ha của ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định giao đất vào năm 1997 thì ông Sản chưa lý giải.
Còn Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng thì cho rằng, việc huyện ra quyết định giao đất nuôi trồng thủy sản thời hạn ngắn hơn so với quy định của luật là… căn cứ vào đề nghị của ông Vươn.
Tuy nhiên, theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường, Luật đất đai năm 1993 quy định thời hạn giao đất là 20 năm, còn Luật đất đai 1987 không quy định thời hạn này. Nếu UBND huyện Tiên Lãng giao đất cho người dân chỉ 10 ngày trước khi Luật đất đai 1993 có hiệu lực thì sau đó cần điều chỉnh thời hạn giao đất lên 20 năm như luật định.
![]() |
Căn nhà hai tầng của gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị phá hủy sau vụ nổ súng sáng 5/1 . Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Ông Võ cho rằng, nghị định 64/1993 ban hành quy định việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài. Văn bản này khẳng định rõ thời hạn sử dụng đất là 20 năm, không được tùy nghi tăng giảm và nếu giao đất trước ngày 15/10/1993 (ngày Luật Đất đai 1993 có hiệu lực) thì thời hạn 20 năm được thống nhất tính từ 15/10/1993. Việc thu hồi đất cũng vậy, thu hồi đất trước hạn 15/10/2013 là không những vi phạm pháp luật mà còn không thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.
Cũng theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường, cái sai nữa của UBND huyện Tiên Lãng là hành vi thu hồi do hết hạn nhưng lại không căn cứ vào khoản 10, điều 38 Luật đất đai. Bởi khi hết hạn giao đất nhưng người dân khai thác có hiệu quả và Nhà nước không có dự án cần thu hồi, chưa có nhu cầu sử dụng đất vào mục đích an ninh quốc phòng thì người dân đương nhiên tiếp tục được kéo dài thời gian giao đất.
Cho rằng quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng thiếu thuyết phục, nhiều chủ đầm tôm, trong đó có ông Đoàn Văn Vươn đã khởi kiện. TAND huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm, bác đơn khiếu kiện của ông Vươn. Sau đó, ông Vươn kháng cáo bản án sơ thẩm tới TAND TP Hải Phòng.
"Do trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, ông Vươn có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên ngày 22/4/2010, TAND TP Hải Phòng đình chỉ xét xử vụ án. Như vậy, bản án hành chính sơ thẩm của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật", thông cáo của UBND TP Hải Phòng tháng 1 vừa qua, viết.
Tuy nhiên, UBND huyện Tiên Lãng và UBND thành phố đã bỏ qua một trong những điểm mấu chốt dẫn đến cuộc chiến pháp lý giữa gia đình ông Đoàn Văn Vươn và chính quyền huyện là thỏa thuận tại TAND thành phố trước khi ông Vươn rút đơn.
Công văn ngày 25/6/2010 của TAND thành phố Hải Phòng do thẩm phán Ngô Văn Anh ký, gửi ông Đoàn Văn Vươn có nội dung: "Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, TAND TP Hải Phòng đã tạo điều kiện để các đương sự tự thỏa thuận với nhau để giải quyết vụ án. Ngày 9/4/2010, tại trụ sở TAND TP Hải Phòng, ông Vươn nhất trí rút đơn kháng cáo và xin thuê lại đất theo quy định của pháp luật. Đại diện UBND huyện Tiên Lãng cũng nhất trí cho ông thuê lại đất theo quy định của pháp luật, vì vậy TAND TP Hải Phòng đã đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ kiện".
Ông Đoàn Xuân Lĩnh, Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết công giáo TP Hải Phòng, Hội thẩm nhân dân TAND TP Hải Phòng cũng khẳng định đã có cuộc làm việc và thỏa thuận giữa đại diện chính quyền huyện Tiên Lãng và với hai ông Vũ Văn Luân, Đoàn Văn Vươn. Cuộc thỏa thuận do thẩm phán Ngô Văn Anh làm “trọng tài”.
Chính từ thỏa thuận giữa đại diện chính quyền và hai ông Luân, Vươn, hai ông đã rút đơn khởi kiện lên TAND thành phố. Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn.
Ông Đặng Hùng Võ bình luận, hành động thu hồi này đã đẩy người dân vào bước đường cùng.
Ngày 5/1, cuộc nổ súng chống đối diễn ra, sau đó ngôi nhà của gia đình ông Vươn bị phá sập. Trong cuộc họp báo căng thẳng ngày 12/1, ông Lê Văn Hiền, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng cho biết toàn bộ diện tích đất của gia đình ông Vươn bị thu hồi là 40 ha, trong đó 21 ha đang làm thủ tục thu hồi, còn 19,3 ha đã làm xong thủ tục. Ngày 5/1, huyện cưỡng chế 19,3 ha, ngôi nhà của ông Vươn nằm trên diện tích 21 ha còn lại, chưa bị cưỡng chế.
"Đường vào khu bị cưỡng chế (19,3 ha) phải đi qua khu vực nhà và vừa đến đây thì những kẻ chống đối đã cho nổ mìn, bắn súng vào lực lượng cưỡng chế nên phải tổ chức vây bắt", ông Hiền trả lời. Giải thích việc khu nhà nằm trên phần đất ngoài khu vực cưỡng chế song vẫn bị đập bỏ, Chủ tịch Hiền cho rằng "vì đây là vị trí kẻ gây án ẩn nấp".
Tuy nhiên, theo luật sư Phạm Thanh Bình, huyện Tiên Lãng đã sai khi phá dỡ căn nhà hai tầng tại khu đầm không nằm trong phần diện tích 19,3 ha bị huyện cưỡng chế thu hồi, vì ngôi nhà này không thuộc phạm vi nêu trong quyết định cưỡng chế. Còn nếu cho rằng căn nhà là nơi ẩn nấp để gây án thì càng phải giữ gìn ngôi nhà nguyên vẹn để phục vụ điều tra, do đây là hiện trường phạm tội. Trong trường hợp lực lượng cưỡng chế phá hủy ngôi nhà không có căn cứ pháp luật thì chính người trực tiếp chỉ đạo việc phá hủy phải bồi thường cho chủ sở hữu ngôi nhà.
Thực tế, toàn bộ khu đầm có diện tích 40,3 ha của gia đình ông Vươn (dù phần cưỡng chế chỉ 19,3 ha) đã do UBND xã Vinh Quang tiếp quản. Ngoài lực lượng công an xã được giao nhiệm vụ canh giữ, rất nhiều thanh niên lạ mặt, mang hung khí túc trực ở đây 24/24h. Người nhà ông Vươn không được phép đi vào khu đất chính ra đang thuộc quyền quản lý của gia đình mình.
Trong khi chờ các cơ quan trung ương như Bộ Tài nguyên Môi trường, TAND tối cao, Bộ Công an vào cuộc... nguyên thứ trưởng Đặng Hùng Võ cho biết, ông sẵn sàng đối chất với địa phương để làm rõ sự sai trái.
Nguyễn Hưng