Bên cạnh các mặt phát triển kinh tế - xã hội tích cực, ở thành phố Đà Nẵng đã xảy ra nhiều vụ việc lùm xùm khiến người dân trên địa bàn cũng như dư luận cả nước quan tâm.
"Bí thư đang chống tiêu cực thì con gái bị tố có đất vàng"
Tháng 8/2013, ông Trần Thọ - Phó bí thư thường trực Thành uỷ Đà Nẵng được bầu vào vị trí của ông Nguyễn Bá Thanh, sau khi ông này ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương.
Tháng 7/2015, Đà Nẵng quyết định tạm dừng dự án bến du thuyền ven sông Hàn, gần phía tây cầu Rồng. Đây là dự án do công ty của ông Phan Văn Anh Vũ - một đại gia bất động sản nổi tiếng không chỉ ở địa phương, đầu tư.
Cũng trong thời gia này, lộ ra thông tin con gái ông Trần Thọ là chị Trần Thị Yến Minh (giáo viên) được bố trí 400 m2 đất tái định cư ở quận Cẩm Lệ, nhưng xin chuyển về trung tâm thành phố, đổi lại diện tích 180 m2 tại ngã tư Trần Quý Cáp - Phan Bội Châu (quận Hải Châu). Nhiều tờ báo lúc đó đưa tin: "Con gái Bí thư Thành uỷ được bố trí đất vàng".
Chiều 17/7/2015, Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng họp gấp về sự việc và báo chí được dự công khai. Tại đây, việc con gái ông Thọ xin đổi đất được giải thích không phải lần đầu tiên diễn ra ở Đà Nẵng. Khi người dân được bố trí đất tái định cư có mong muốn đổi sang khu vực khác, sẽ được chính quyền xem xét, bố trí trên cơ sở nơi chuyển đến, kèm điều kiện nộp tiền đất tái định cư theo khung giá ở khu vực mới.
Bà Lương Nguyệt Thu - Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, ông Thọ là người có nhiều đóng góp và đang có những đấu tranh chống tiêu cực của thành phố, bị ảnh hưởng bởi sự việc của con gái là "điều đáng tiếc".
Bàn về sự việc, ông Nguyễn Xuân Anh (lúc này là Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng) cho rằng ông Thọ đã thẳng thắn, trung thực, không trốn tránh trách nhiệm. "Đây là bài học cho lãnh đạo chủ chốt của thành phố. Nó ảnh hưởng xã hội ghê gớm lắm. Nếu chuyện xảy ra với người đạp xích lô, xe thồ, dân bình thường là chuyện khác, nhưng đây là con của lãnh đạo thành phố, anh Thọ lại là Bí thư", ông Anh nói.
Điểm nóng Sơn Trà
Trong diễn biến mới nhất liên quan đến bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng, ngày 19/9, Phó thủ tướng Trương Hoà Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan thanh tra toàn diện việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án trên bán đảo Sơn Trà (được cấp phép trong giai đoạn 2003-2016); báo cáo lên Thủ tướng trước ngày 31/3/2018.
Bán đảo này nằm cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía đông bắc, rộng 4.400 ha, là tổng hòa của hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền biển duy nhất ở Việt Nam. Từ trước năm 2013, Đà Nẵng cấp phép cho 18 dự án với số phòng ước tính 5.000. Tháng 11/2016, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà với số phòng giảm chỉ còn 1.600.
Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch, Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi kiến nghị đến Thủ tướng, bày tỏ lo ngại Sơn Trà sẽ bị bê tông hóa bởi các dự án du lịch; kiến nghị xem xét lại bản quy hoạch theo hướng giữ nguyên hiện trạng (với khoảng 300 phòng).
"Điểm nóng" Sơn Trà được dư luận quan tâm khi vào tháng 3, một người câu cá chia sẻ bức ảnh chụp bán đảo này bị Công ty Biển Tiên Sa đào xới xây công trình. Cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện 40 móng biệt thự xây không phép. Chủ đầu tư bị xử phạt hành chính 40 triệu đồng.
Ý kiến chỉ đạo nêu trên của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình xuất phát từ báo cáo của 8 cơ quan về việc đầu tư xây dựng dự án khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, gồm: UBND TP Đà Nẵng; các bộ Nông nghiệp, Tài nguyên, Văn hoá, Xây Dựng, Quốc phòng, Tổng cục II - Bộ Quốc phòng và Công an.
Chủ tịch thành phố bị đe dọa
Cuối tháng 2, trước việc một tờ báo đăng tải, nêu nghi vấn Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh đi xe công biển số giả, có trị giá 2,5 tỷ đồng, được cho là vi phạm tiêu chuẩn Bí thư thành phố trực thuộc Trung ương chỉ được sử dụng xe dưới 1,1 tỷ đồng, Thành uỷ Đà Nẵng đã bác bỏ thông tin này và trưng ra nhiều giấy tờ chứng minh, trong đó có cả hóa đơn xuất xe của Công ty TNHH Minh Hưng Phát.
Cụ thể, chiếc Toyota Avalon Limited 5 chỗ mà Bí thư Thành uỷ sử dụng là "hàng biếu tặng, không thu tiền", có giá 1,3 tỷ đồng (bao gồm cả thuế) do Công ty Minh Hưng Phát tặng Văn phòng Thành ủy. Đà Nẵng sau đó đã trả lại doanh nghiệp chiếc xe này.
Một tháng sau, ở Đà Nẵng xuất hiện thông tin về việc bản kê khai tài sản của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, bị "tuồn" ra ngoài. Ngày 15/3, chính quyền Đà Nẵng lên tiếng phản hồi về tài sản này, với khẳng định "việc kê khai, minh bạch tài sản của ông Huỳnh Đức Thơ đã được thực hiện đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước".
Ngày 19/8, Cục cảnh sát hình sự C45, Bộ Công an bắt ông Đào Tấn Cường - Phó giám đốc Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex chi nhánh Đà Nẵng, vì hành vi đe dọa giết người. Ông Cường là anh trai Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng Đào Tấn Bằng.
Theo nhà chức trách, do khu biệt thự của mình trên bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng) thời gian qua bị chính quyền thành phố thu hồi để xem xét điều chỉnh quy hoạch, ông Cường đã nhắn tin dọa giết ông Thơ và người thân. Một số lãnh đạo, cán bộ cấp sở ở Đà Nẵng cũng nhận được nội dung tin nhắn tương tự.
Dư luận về "sự đoàn kết" ở Đà Nẵng
Ngày 4/5, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh có cuộc gặp mặt bí thư 56 xã, phường trên địa bàn thành phố. Ông Xuân Anh cho biết, thời gian qua có nhiều thông tin không chính xác về thành phố, đặc biệt là những trang mạng không chính thống ở nước ngoài.
Nhận định những thông tin này gây hoang mang dư luận và "che mờ đi những thành tựu thành phố đã làm được", Bí thư Đà Nẵng nhấn mạnh: "Trong nội bộ lãnh đạo thành phố, cụ thể là Ban chấp hành đảng bộ, Ban thường vụ Thành ủy cơ bản giữ được đoàn kết, nhất trí, dù có một vài quan điểm cá nhân có thể khác nhau".
Phát biểu của ông Xuân Anh được đưa ra trong bối cảnh có dư luận cho rằng ông Đặng Việt Dũng - Phó chủ tịch thường trực UBND TP, người có chuyên môn tiến sĩ kỹ thuật, kỹ sư chuyên ngành cầu đường, được điều chuyển sang giữ chức Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy (từ ngày 6/3) là bị "trù dập". Tuy nhiên, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng nêu rõ, việc luân chuyển tuân thủ theo quy trình và "không ai có thể đứng trên tập thể".
Trước việc mới đây cơ quan chức năng công bố vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng (nhiệm kỳ 2015-2020), ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cho hay đây không phải lần đầu ở địa phương để xảy ra vấn đề ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong tập thể lãnh đạo.
Theo ông Hùng, từ năm 1994, Bộ Chính trị đã phải điều động ông Mai Thúc Lân (lúc này là Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế ngân sách) và ông Trương Quang Được (Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan) vào thay thế Bí thư Tỉnh uỷ và Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng do "tình hình nội bộ Đảng bộ tỉnh không tốt, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của tỉnh".
"Rõ ràng là đã có những bài học mà các thế hệ lãnh đạo Đà Nẵng nên nhìn vào. Những chuyện lùm xùm có thể nhiều nguyên nhân, nhưng ở đây trách nhiệm người đứng đầu là rất quan trọng", ông Hùng nói và nhận định thêm, dư luận quan sát thấy các thông tin "nhạy cảm" ở Đà Nẵng xuất hiện liên tục trên báo chí cũng như mạng xã hội đều cảm nhận rằng "đang có sóng ngầm".
Ông Trần Văn Minh - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nguyên Phó trưởng Ban tổ chức Trung ương, nhận định những sự việc vừa qua ở Đà Nẵng đã "ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố". Ông cho biết, theo quy trình thì đây là lúc lãnh đạo Đà Nẵng phải làm kiểm điểm và có thể giải trình thêm về các vấn đề liên quan.
Ngày 18/9, Ủy ban Kiểm tra Trung ương thông báo kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và một số cá nhân. Theo đó, với cương vị là người đứng đầu Thành ủy, ông Nguyễn Xuân Anh - chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ông Nguyễn Xuân Anh được cho đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ; chủ trì xem xét, quyết định một số nhân sự có biểu hiện áp đặt; trực tiếp chỉ đạo nhiều công việc cụ thể của chính quyền... |
Văn Nguyễn