Thứ năm, 9/1/2025
Thứ tư, 5/8/2020, 00:00 (GMT+7)

Những 'vú nuôi' của gấu con

Hai chú gấu cứu hộ từ Yên Bái được các nhân viên Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam chăm sóc như con.

Hai gấu con 10 kg và 7 kg, khoảng 3-4 tháng tuổi, được cứu hộ ngày 19/7 tại tỉnh Yên Bái, được đưa về Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam (thuộc Tổ chức Động Vật Châu Á) tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc trong tình trạng hoảng loạn, không ăn uống.

Sau hơn hai tuần được các chuyên gia chăm sóc, hai con gấu đã chơi đùa, uống sữa và ăn hoa quả băm nhỏ.

Anh Tống Khánh Linh (phải) và chị Trần Thị Phương đảm nhiệm dinh dưỡng cho gấu hàng ngày.

"Chế độ ăn chính là sữa. Gấu con lớn trên 20 kg mới dần cai. Một ngày, hai con gấu được ăn uống theo chế độ của gấu mới sinh, 4 bữa vào 7h, 11h15, 17h và 21h", anh Linh cho biết.

Chị Sarah Van Herpt, Quản lý Gấu cấp cao, phụ trách về dinh dưỡng và hành vi của hai gấu con cho biết đã dành nhiều thời gian để quan sát chúng ăn, chơi, nắm bắt tâm lý để đưa ra khẩu phần ăn và chế độ chăm sóc phù hợp.

Sau hai tuần, trong nhà cách ly đặc biệt, hai con gấu bắt đầu làm quen với môi trường bán hoang dã. "Gấu nhỏ tỏ ra khá bỡ ngỡ trước ánh nắng lúc 9h sáng", người phụ nữ có 3 năm kinh nghiệm tại Tổ chức động vật Châu Á kể.

Cũng theo chị Sarah, gấu con bị tách khỏi mẹ khi còn nhỏ sẽ dễ bị căng thẳng, tổn thương và sợ hãi. Điều này có thể làm giảm cảm giác thèm ăn uống, ảnh hưởng hệ miễn dịch. Gấu dễ bị ốm yếu và nhiễm bệnh.

"Gấu khi căng thẳng thường đi qua đi lại, mút tay, cắn song sắt, kêu gào và hung hăng. Để giảm điều đó, chúng tôi phải hạn chế người xung quanh, giảm tiếng ồn, chỗ trú ẩn cần có mái che để tránh được mưa gió và ánh nắng trực tiếp", chị Sarah nói.

Ngồi trong chuồng quan sát hai gấu con, chị Phương cho biết công việc chính của chị là chuẩn bị đồ ăn, gọi kẻng ra khu bán hoang dã, dọn dẹp, theo dõi sinh hoạt hàng ngày rồi ghi chú lại theo đúng thời gian biểu từng con.

"Mỗi ngày, gấu ăn bằng khoảng 15% trọng lượng cơ thể. Hiện "gấu anh" mỗi bữa ăn 430 ml sữa, "gấu em" 320 ml. Sau hai tuần về trung tâm, hai con gấu đã tăng lên 12 kg và 8 kg", anh Tống Khánh Linh, Trưởng nhóm chăm sóc gấu con, nói.

Trong buổi đầu làm quen với khu bán hoang dã, chị Sarah và Phương phải ngồi im lặng giữa trời nắng nhiều giờ mà không được cử động để gấu không cảm thấy sợ. Sau khi hai con gấu cảm thấy an toàn, chúng sẽ tự chơi và tìm đến thức ăn.

Những lúc này, nhân viên sẽ cho gấu ăn các loại hoa quả băm nhỏ và thức ăn dạng hạt cho chó con cũng được sử dụng để chúng quen với sự đa dạng các thức ăn.

Để tập thói quen ngoài tự nhiên, nhân viên chăm sóc sử dụng vật dụng vừa tầm nắm các chi của gấu sau đó gài vào những mô hình trong khu bán tự nhiên để khi gấu được thả ra có thể tự khám phá.

Giúp gấu tập làm quen với đồ chơi và tìm kiếm thức ăn, nhân viên chăm sóc sẽ đưa mật ong giấu vào bên trong để gấu con dễ nhận dạng.

Đặc tính của loài gấu khi hoảng sợ sẽ trèo lên những nơi cao và tối. Tại Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam có khu dành riêng cho gấu con với đầy đủ trang thiết bị cần có để chúng xây dựng bản năng hoang dã nhất.

Hàng ngày, nhân viên y tế thay nhau dọn dẹp vệ sinh chuồng. Gấu trước khi về trung tâm có thể đã mang bệnh hoặc virus nên việc vệ sinh giúp loại bỏ nguồn lây.

Trung tâm Cứu hộ gấu Việt Nam rộng 12 ha, nằm ở thung lũng Chắt Dậu, Vườn quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Đây cũng là trung tâm gấu lớn nhất Đông Nam Á, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đang chăm sóc trọn đời cho gần 200 con gấu từng bị nuôi nhốt, là tang vật của các vụ án, hoặc không gắn chip.

'Vú nuôi' của gấu con
 
 

Ngọc Thành