1. Ông trùm Madoff và cú lừa 50 tỷ USD
Madoff thành lập Công ty Đầu tư Chứng khoán Bernard L. Madoff Investment Securities LLC năm 1960 và điều hành một quỹ quản lý đầu tư riêng rẽ khác. Công ty của Madoff hoạt động theo hình thức tư vấn đầu tư và điều hành các quỹ đầu tư với tổng số tài sản khoản 17 tỷ USD. Ông là một trong những sáng lập viên của sàn Nasdaq và là chủ tịch sàn này từ những năm 1990. Cho đến năm 2001, công ty của ông vẫn là một trong 3 nhà tạo lập thị trường lớn nhất trên sàn Nasdaq, và là doanh nghiệp môi giới lớn thứ ba tại Sở Giao dịch chứng khoán New York (NYSE).
Bernard L. Madoff. Ảnh: AFP |
Madoff được coi như một thế lực ngầm trên thị trường. Các quỹ đầu tư của công ty này hấp dẫn các nhà đầu tư bởi lời hứa lợi nhuận cao và chi phí thấp. Vì thế nhiều cá nhân và doanh nghiệp đã đầu tư vào quỹ của Madoff thông qua các đối tác của công ty này và ký gửi cho ông ta hàng chục tỷ USD. Đổi lại, Madoff trả cho họ lãi suất rất cao, luôn ở mức 2 con số.
Điều này gây khó hiểu cho giới phân tích vì hoạt động kinh doanh của các công ty của Madoff đều thu được lợi nhuận rất cao và đều đặn. Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính đang hoành hành trên toàn cầu, Madoff vẫn được cho là không bị ảnh hưởng và ông luôn có đủ tiền mặt để trả cả gốc lẫn lãi mỗi khi các nhà đầu tư cần. Các chuyên gia tư vấn các quỹ đầu tư đều cho rằng, không có một chiến lược kinh doanh nào trên thế giới có thể đạt hiệu quả kinh khủng như vậy.
Tuy nhiên, với uy tín của Madoff qua hàng loạt các chức vụ quan trọng mà ông ta từng nắm giữ như Phó chủ tịch Hiệp hội quốc gia các nhà môi giới chứng khoán Mỹ, thành viên trong Ban Giám đốc Thị trường chứng khoán Nasdaq, Giám đốc Hiệp hội chứng khoán Mỹ vào những năm 1960 và đầu thập niên hiện nay, thì mọi mối nghi ngờ như trên đều bị đánh tan.
Mọi việc chỉ thực sự bị phanh phui khi ông này tự thừa nhận tội lỗi của mình vào ngày 11/12/2008. Ông thú nhận rằng bản thân ông cũng không thể biện hộ cho những tội lỗi mà mình đã gây ra. Ông nói: “Tất cả chỉ là một sự dối trá to lớn. Thực chất đây là một dây hụi khổng lồ”.
Trong suốt nhiều năm, Madoff đã sử dụng uy tín để lừa các nhà đầu tư vào tròng với một mánh lới lừa đảo không có gì là mới. Chiêu lừa đảo của ông ta được gọi là mánh lừa Ponzi. Theo đó những kẻ lừa đảo thu hút nhà đầu tư bằng việc hứa sẽ trả lãi suất cao cho khoản tiền đầu tư của họ. Hoạt động lừa đảo chỉ đơn giản là lấy tiền của nhà đầu tư sau để trả cho nhà đầu tư trước.
Hàng loạt ngân hàng, tổ chức tài chính trên thế giới sau đó đã phải thừa nhận họ đã sập bẫy của Madoff. Danh sách những nạn nhân của Madoff ngày một dài hơn và trong đó có rất nhiều tên tuổi các ngân hàng hàng đầu trên thế giới như Santander của Tây Ban Nha, ngân hàng Anh HSBC, ngân hàng Hoàng gia Scotland, ngân hàng BNP của Pháp, ngân hàng Nomura (Nhật Bản)… Không chỉ có các thể chế tài chính mà những tổ chức nhân đạo cũng bị ảnh hưởng. Nhiều tổ chức nhân đạo đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên sau khi bị mất toàn bộ tiền vào quỹ của Madoff. Có thể nói cú lừa thế kỷ này của Madoff chẳng khác nào thảm hoạ sóng thần quét sạch các tổ chức tài chính trên thế giới.
2. Đại gia ngân hàng Pháp chao đảo dưới bàn tay nhân viên
Kerviel, người có công làm bay hơi gần 5 tỷ euro của Societe Generale. Ảnh: Time |
Cả nước Pháp bị chấn động bởi vụ việc một nhân viên kinh doanh chứng khoán của Ngân hàng Societe Generale làm cho ngân hàng này bị thiệt hại 4,9 tỷ euro ( 7,15 tỷ USD) - mức kỷ lục trong lịch sử ngân hàng trên thế giới. Thủ phạm của vụ lừa đảo gây chấn động này là một nhân viên giao dịch 31 tuổi có tên Jerome Kerviel. Anh ta là nhân viên của Societe Generale tại Paris từ năm 2000 và làm nhân viên môi giới từ năm 2005. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Societe Generale Daniel Bouton cho hay, nhân viên môi giới này đã sử dụng kỹ thuật rất tinh vi để vượt qua mọi khâu kiểm soát của ngân hàng và thực hiện trót lọt phi vụ lừa đảo.
Trong suốt năm 2007 và sang đến 2008, Kerviel đã làm lạc hướng các nhà đầu tư bằng cách sử dụng các giao dịch ảo. Theo đại diện nhà băng, anh ta có kiến thức rất sâu về hệ thống kiểm soát giao dịch, từ đó tạo dựng và che giấu các vị thế ảo trong giao dịch.
Chuyện thật như đùa vì gần như chẳng ai tin chuyện chỉ một nhân viên bình thường, mới có 31 tuổi, lại có thể gây nên thiệt hại trong thời gian dài đến như vậy mà không hề bị phát giác trong nội bộ ngân hàng và cả trong hệ thống kiểm soát ngân hàng và thị trường chứng khoán ở Pháp, nhất là khi Ngân hàng Societe Generale hoạt động từ 144 năm nay và hiện là ngân hàng lớn thứ 2 ở Pháp.
Theo kết luận của Uỷ ban nghiệp vụ ngân hàng của Ngân hàng trung ương Pháp, nguyên nhân gây ra sự việc trên là do có những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống bảo mật máy tính của SocGen và những thiếu sót trong quy trình kiểm soát theo cấp bậc của ngân hàng, đồng thời cho rằng chưa có được sự độc lập cần thiết giữa các giao dịch viên và những người chịu trách nhiệm giám sát. Ngày 4/7/2008, Ngân hàng trung ương Pháp đã tuyên bố phạt Société Générale 4 triệu euro (6,3 triệu USD). Vụ việc này khiến cho ngân hàng lớn thứ hai của Pháp bị mất một khoản tiền không nhỏ, nhưng nghiêm trọng hơn nó làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư trong bối cảnh ngành ngân hàng thế giới đang thua lỗ.
3. Chiêu bài kinh doanh đa cấp gây chấn động Hàn Quốc
Ngày 26/11/2008, Cảnh sát Hàn Quốc cho biết vừa phá một vụ lừa gạt tài chính lớn nhất từ trước tới nay ở nước này. Thủ phạm là người đàn ông 51 tuổi có tên Cho Hee Pal. Cho đã chiếm đoạt 3,9 nghìn tỷ won (tương đương 2,6 triệu USD) của hơn 30.000 nhà đầu tư.
Năm 2004, Cho đã thành lập công ty có tên gọi BMC, cung cấp dịch vụ và thiết bị cho các bệnh viện, các nhà tắm công cộng và các beauty salon. Thủ đoạn của Cho là lừa gạt những người đầu tư đầu tư vào công ty của ông ta và hứa sẽ trả lãi 32% trong vòng 8 tháng thông qua các hoạt động kinh doanh của mình là cho thuê các thiết bị y tế. Đối tượng lừa gạt chủ yếu của Cho là các phụ nữ trung niên ít hiểu biết về tài chính và dễ loá mắt vì lợi nhuận cao.
Theo cảnh sát, Công ty BMC lừa các nhà đầu tư bằng những hứa hẹn về thu nhập cao. Nhiều người thậm chí còn tái đầu tư lợi nhuận của mình vào công ty. Rất nhiều người trong số họ đã mất trắng số tiền tích cóp cả đời của mình. Kwon Duk-eon, người phát ngôn cảnh sát thành phố Daejeon, cho biết: “Đây là vụ lừa đảo bằng hình thức kinh doanh đa cấp lớn nhất từ trước đến nay ở nước này. Số tiền bị mất và số nạn nhân chắc sẽ còn rất nhiều. Nhiều người đầu tư có thể không thu lại được tiền của họ do rất khó để các nhân viên điều tra lần ra tài khoản ngân hàng của Cho”.
4. Vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử Colombia
Tác giả của vụ lừa đảo này là Công ty tín dụng Proyecciones DRFE. Cũng tương tự như những vụ lừa đảo trên, công ty này đã sử dụng chiêu lừa đảo kiểu kim tự tháp. Tức là lấy tiền lãi của người này để trả lãi cho người kia. Khách hàng đã bị dụ vào trong vì hấp lực của lãi suất cực lớn mà công ty này đưa ra. Với tiêu chí “Gửi tiền nhanh kiếm lãi dễ”, công ty này đã thu hút được hơn 2 triệu người gửi tiền với số tiền khổng lồ 670 triệu USD.
Có lẽ công ty này vẫn làm ăn ngon lành nếu như không có khủng hoảng kinh tế. Họ đã phải thông báo cắt giảm lãi suất còn 70% thay vì 100% đến 150% như trước kia. Thông tin giám đốc của công ty này bỏ trốn càng đổ thêm dầu vào lửa, khiến cho những người gửi tiền vào đây ùn ùn kéo đến để đòi nợ. Tuy nhiên, những người này nhanh chóng nhận ra rằng họ đã bị mất trắng. Chưa có thống kê cụ thể về thiệt hại, nhưng ước tính nạn nhân có thể từ 2 triệu đến 3 triệu người, đa phần đều là dân nghèo. Nhiều người trong số họ đã thế chấp toàn bộ tài sản của mình để gửi.
Cảnh sát địa phương đã ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm tại một số thành phố khi mà làn sóng biểu tình của nạn nhân vụ lừa đảo này ngày càng lan rộng. Tổng thống Colombia Alvaro Uribe cũng phải ban bố tình trạng khẩn cấp kinh tế và xã hội. Ông xin lỗi toàn dân vì đã phản ứng chậm trễ và cho biết sẽ trừng phạt nặng những kẻ lừa đảo. Liên quan tới vụ bê bối này, Chánh thanh tra Tài chính Colombia César Prado đã phải từ chức.
Bình Minh (Tổng hợp)