Thanh Tâm, chủ nhiệm câu lạc bộ dancing ĐH Ngoại thương từ nhỏ đã tỏ ra là người rất hiếu động. Cô tham gia tập nhiều môn như võ Thiếu Lâm, múa, Hiphop... Tâm cùng với các anh chị khóa trên thành lập câu lạc bộ dancing, hiện có trên 60 thành viên, liên tục đi biểu diễn và mở các lớp dạy nhảy mới.
Cheerleader là bộ môn được Tâm chú trọng, phát triển theo hướng chuyên nghiệp vì cô nhận thấy khả năng truyền lửa của những vũ điệu đồng đội đều tăm tắp, khỏe và bắt mắt. Khó khăn duy nhất khi phát triển bộ môn này là dàn dựng bài nhảy.
Nhóm nhảy Pinky của ĐH Ngoại thương thường tham khảo băng đĩa của nước ngoài rồi tự sáng tạo. Tuy nhiên, do người Việt Nam có tầm vóc bé nhỏ và thể lực yếu nên phải giảm độ khó của động tác, và độ nhanh của tốc độ toàn bài. Pinky tạo điểm nhấn bằng các bài nhảy tạo hình và động tác uyển chuyển, khỏe mạnh và vẫn duyên dáng.
Liên tục tập các động tác leo trèo, bị thương tích đầy mình là chuyện thường xảy ra với các cô nàng tham gia Cheerleader. Tâm có lần ngã sưng tím mắt cả tháng, bạn bè ai cũng trêu là "mẹ vợ phải đấm", còn chuyện đau chân là bình thường. Phong trào nhảy Cheerleader hiện nay khá phát triển ở các trường cấp 3.
Giới trẻ cuồng nhiệt nhảy Hiphop Jazz. Ảnh: Hoàng Hà |
Trần Vũ Thạch, sinh viên ĐH Bách khoa từng là vận động viên Taekwondo đai đen. Cậu đến với dance sport rất tình cờ khi một bạn gái tập môn này không có bạn nhảy nên rủ Thạch tham gia.
Thời gian đó, dance sport là một môn mới toanh, nhiều người còn nhầm với nhảy cổ điển. Đây là một môn đòi hỏi một số điều kiện vật chất đi kèm tốt hơn các môn khác: mặt sàn gỗ tốt, phẳng, giày và quần áo nhảy phù hợp để đảm bảo vừa thoải mái, vừa duyên dáng...
Thạch cho biết tìm một partner (bạn nhảy) phù hợp là điều rất lý thú. Partner không nên là bạn gái vì có khi rắc rối trong cuộc sống, khi nhảy sẽ không toàn tâm toàn ý, đồng điệu với nhau về chuyển động và cảm giác. Tuy các động tác giữa nam và nữ ở dance sport khá thân mật, nhưng theo Thạch, muốn phát triển kỹ thuật nhảy thật cao, phải giữ cái tâm trong sáng.
Một vũ điệu được mệnh danh là "nước sốt cay", "latin đường phố" là Salsa. Có người đã ví Salsa mang phong cách hiện đại như Hip hop, tình cảm như Rumba,và ngẫu hứng như nhạc Jazz.
Nhảy Salsa không dễ đối với người tham gia lần đầu. Theo anh Đặng Hoàng Thành, một vũ công Salsa điêu luyện, người nhảy bị thuyết phục bởi những cái lắc hông quyến rũ, những cái dậm chân mạnh mẽ của điệu nhảy đường phố. Anh Thành cùng với những người bạn đã quyết định truyền bá điệu nhảy đến giới trẻ.
Anh cùng bạn bè đã thành lập câu lạc bộ riêng trên phố Giang Văn Minh khi nhận thấy Salsa ở Hà Nội đã lên cơn sốt. "Có những câu lạc bộ chưa thực sự hiểu Salsa nên đã biến tấu theo cách riêng của họ. Đương nhiên sáng tạo là tốt, nhưng khi chưa có chuẩn mực của Salsa để thi đấu ngang ngửa tầm cỡ quốc tế, đừng biến tấu để Salsa ngày càng xa rời bản chất", anh Thành chia sẻ.
Còn với Thạch, việc luyện tập dance sport khiến khả năng cảm nhận và giải quyết mọi biến cố cũng tinh tế hơn. "Mỗi điệu nhảy có một thông điệp rất riêng và thực sự tuyệt vời", Thạch tâm sự.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)