Hạ thân nhiệt là hiện tượng xảy ra khi nhiệt độ của cơ thể con người giảm xuống ngưỡng dưới 35 độ C gây tác động nghiêm trọng tới hệ thần kinh, hoạt động của tim và dòng máu, dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng.
Trường hợp hạ thân nhiệt nổi tiếng nhất là vụ chìm tàu Titanic xảy ra ngày 14/4/1912. Tai nạn gây ra cái chết cho 1.489 người. Dù được trang bị áo phao, không ai sống sót quá 2 giờ dưới nước.
Nhiều chuyên gia cho rằng nạn nhân trên tàu Titanic đã trải qua hiện tượng sốc lạnh sau khi tàu đắm. Nhiệt độ nước biển lúc đó là khoảng 2 độ C. Các biểu hiện của nạn nhân bao gồm khó thở, tăng nhịp tim và huyết áp hoặc hoảng loạn. Ở một số người, các triệu chứng này gây ra đột quỵ.
Theo các chuyên gia, nước lạnh khiến cơ thể người mất nhiệt nhanh hơn không khí gấp 25 lần. Thông thường, cơ thể sẽ tự bù nhiệt bằng hiện tượng run rẩy và điều hòa máu từ các chi đến những bộ phận quan trọng. Tuy nhiên, điều này không thể bù lại sự hạ nhiệt nhanh chóng trong môi trường nước. Trong vòng 20 đến 30 phút, tùy thuộc vào nhiệt độ nước, nhiệt độ cơ thể các nạn nhân giảm xuống dưới 35 độ C. Các nạn nhân tử vong khi thân nhiệt giảm xuống dưới ngưỡng 27 độ C.
Hạ thân nhiệt còn được cho là nguyên nhân làm gián đoạn một chiến dịch quân sự của Napoleon. Năm 1812, vị tướng huyền thoại đã phải rút lui khỏi Moskva do thời tiết quá lạnh khiến binh lính bị tê cóng. Larrey DJ William Heinemann, bác sĩ phẫu thuật của Napoleon, mô tả các binh sĩ có biểu hiện xanh xao, mất ý thức. Nhiều người khác trải qua những đợt run rẩy kéo dài, tử vong hàng loạt.
Trong quá trình khám phá Nam Cực, Ernest Shackleton và nhóm của ông đã ghi lại nhiệt độ cơ thể là 34 độ C. Cơ thể của Ernest có biểu hiện run rẩy, mỏi cơ, cử động chậm và thường xuyên vấp ngã.
Các chuyên gia khuyên để phòng tránh hiện tượng hạ thân nhiệt, trước hết cần cởi bỏ quần áo ướt và lau khô người. Tiếp theo, bắt đầu làm ấm từ phần thân. Làm ấm tứ chi trước tiên có thể gây ra hiện tượng sốc nhiệt. Tuyệt đối không ngâm người trong nước nóng, bởi việc tăng nhiệt độ cơ thể một cách nhanh chóng sẽ làm rối loạn nhịp tim.
Thục Linh (Theo NCBI, WebMD)