Nhà ở ngõ chợ Khâm Thiên, ngay giữa thủ đô, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng chỉ ao ước được một lần ra hồ Gươm. Khi Hà Nội hừng hực khí thế của đại lễ, người người đổ dồn về thủ đô thì niềm ao ước ấy lại càng cháy bỏng hơn.
Sinh ra với đôi chân dị tật, ông Hùng phải làm bạn với xe lăn từ khi còn bé xíu. Những nơi mà ông đến được chỉ giới hạn ở địa chỉ gần nhà. May mắn là các hoạt động của đại lễ được tổ chức rộng rãi, trong đó có cổng công viên Thống Nhất, nơi gần nhà ông.
"Từ hôm khai mạc đại lễ tôi đã tự lăn xe ra đây 3 lần rồi. Dù hơi mệt nhưng đến nơi, thấy không khí sôi động, mọi mỏi mệt tan biến ngay. Các chương trình ở đây đa số đều do tuổi trẻ thực hiện nên khí thế và sức trẻ căng tràn", ông Hùng cười tâm sự.
![]() |
Ông Hùng đã tự lăn xe hai cây số từ nhà ra công viên Thống Nhất để xem chương trình mừng đại lễ. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Là thương binh bị mất một chân, ông Nguyễn Ngọc Ký (Kinh Môn, Hải Dương) vừa tập tễnh chống gậy dạo sân vận động Mỹ Đình, nơi tổ chức lễ hội diều, vừa cười "đúng là ngàn năm có một, đông vui nhộn nhịp quá".
Ông cho biết trước đây từng tham gia thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường sắt Quảng Ninh - Lạng Sơn. Trong một trận càn của địch, ông bị thương và cụt một chân. Dù đi đứng khó khăn nhưng nghe tới đại lễ là ông hăng hái rủ vợ lên Hà Nội xem.
"Hà Nội giờ đây khang trang và đẹp quá, con người cũng văn minh hơn, giỏi giang hơn. Chuyến đi này tôi còn hẹn gặp lại những người đồng đội cũ. Đây chính là cơ hội đề chúng tôi tụ tập ôn lại kỷ niệm xưa và chứng kiến sự phát triển của Hà Nội, của đất nước", ông Ký chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Ngọc Ký cùng vợ lên Hà Nội xem lễ hội và gặp đồng đội cũ. Ảnh: Hoàng Thùy. |
Đôi tay tỳ lên hai chiếc nạng sắt để giữ cơ thể thăng bằng, chị Trần Thị Hảo (Hải Hậu, Nam Định) mải mê ngắm những cánh diều trước quảng trường Mỹ Đình. Trước đó, ngày khai mạc đại lễ, chị đã nhờ cháu dìu lên hồ Gươm xem bắn pháo hoa.
Đôi chân bị dị tật từ khi mới chào đời, chị Hảo không thể tự đi, tự đứng. Ngày thường chỉ thui thủi ở nhà, nhưng những ngày cả nước tưng bừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, chị đã tự bắt xe ra Hà Nội ở nhờ nhà đứa cháu để xem đại lễ.
"May mà nhà cháu tôi ở gần sân vận động Mỹ Đình, tối mùng 10/10 chỉ còn điểm này bắn pháo hoa, tôi sẽ xem được dễ dàng hơn. Nhưng tiếc là không được trực tiếp xem lễ duyệt binh", chị xúc động nói.
![]() |
Chị Lý Thị Mẩy (bên phải) từ Lào Cai xuống xem đại lễ, mang theo đồ dân tộc để bán cho khách lấy tiền ở và đi lại. |
Dịp này Hà Nội còn là nơi tụ họp của các dân tộc anh em trên mọi miền đất nước. Biết đến đại lễ qua tivi, chị Lý Thị Mẩy (Mường Khương, Lào Cai) đã cùng một số chị em hàng xóm xin chồng xuống Hà Nội chơi. Nhà chẳng có tiền, các chị gói ghém những sản phẩm đặc trưng của người dân tộc như túi đựng điện thoại bằng thổ cẩm, vòng bạc, tiền xu đồng... để bán lấy tiền chi tiêu cho mấy ngày chơi phố.
Chị kể, xuống xe đi tìm ngay phòng trọ. Giá cả đắt đỏ nên các chị chỉ dám thuê phòng để ngủ vào ban đêm với giá 20.000 đồng một người, còn ban ngày thì đi loanh quanh dạo phố và bán hàng.
"Tôi chưa bao giờ thấy cảnh đông vui như thế. Đèn điện lung linh, phố phường tấp nập, nhất là vào buổi tối. Dù phải chen nhau nhưng đi trong dòng người ấy tôi cảm thấy rất sung sướng", chị Mẩy cười hạnh phúc.
Hoàng Thùy