Thứ hai, 5/6/2023, 20:00 (GMT+7)

Là một trong những vận động viên tiêu biểu của điền kinh Việt, 10 năm qua, Nguyễn Thị Oanh (sinh năm 1995 tại Bắc Giang) đã giành nhiều huy chương vàng SEA Games cũng như ở đấu trường châu Á. Cao 1,53m nặng 50kg, Oanh được ví là "cô bé hạt tiêu" khi theo đuổi điền kinh, một bộ môn yêu cầu cao về ý chí trong tập luyện.

Từ cuối năm lớp 9, Oanh bắt đầu tham gia thi đấu tại một số giải chạy cấp huyện, cấp tỉnh và được tuyển chọn vào trường năng khiếu thể thao Bắc Giang. Có tố chất thôi chưa đủ. Để đạt được được mục tiêu đề ra, vận động viên điền kinh phải luôn bền bỉ rèn luyện. "Khó khăn thứ nhất là hạn chế về hình thể, khó khăn thứ hai là thay đổi môi trường sinh hoạt nên có những bài tập khiến tôi cảm thấy mệt mỏi", Oanh trải lòng.

Tham gia môi trường thể thao chuyên nghiệp chưa được bao lâu, năm 19 tuổi, Oanh bị chẩn đoán mắc bệnh viêm cầu thận nên rời xa đường chạy để tập trung điều trị bệnh. Bệnh tật không làm cô nản chí mà từ bỏ môn thể thao yêu thích. Sau thời gian dài nghỉ tập, Oanh tự rèn giũa cho mình khả năng vượt giới hạn của bản thân để khắc phục những kỹ năng còn yếu.

Điền kinh đã cùng Oanh trưởng thành. Bài học về ý chí được nuôi dưỡng từ thể thao giúp cô duy trì được sức bền vững vàng để không ngừng chinh phục giới hạn mới.

Minh chứng gần nhất là SEA Games 32. Lịch thi đấu ở hai nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật cách nhau 20 phút, chỉ được cập nhật vào sáng ngày thi đấu đã trở thành động lực thúc đẩy Oanh chinh phục giới hạn mới để giành chiến thắng. Giữa hai nội dung thi, Oanh có khoảng 16 phút nghỉ, cô chỉ kịp uống nước, nghe chỉ đạo ngắn từ HLV. Thách thức không thể ngăn cản chân chạy Bắc Giang sải bước tiến đến vinh quang. Ngoài hai huy chương vàng cho hai cự ly này, tại đại hội thể thao Đông Nam Á vừa qua, Oanh còn giành huy chương vàng cho cự ly 5.000m và 10.000m.

Nói về tinh thần chiến đấu bền bỉ, Oanh cho biết: "Bản thân tôi nghĩ không chỉ riêng trong thể thao mà bất kể việc gì trong cuộc sống ai cũng cần vượt qua thách thức. Vì mỗi mục tiêu, mỗi cột mốc đều không thể có được một cách dễ dàng, mà bản thân phải cố gắng, nỗ lực mới có kết quả tuyệt vời nhất".

Ngoài 20 tuổi, vận động viên Nguyễn Huy Hoàng (sinh năm 2000, Quảng Bình) đã sở hữu một bộ sưu tập hàng chục huy chương của các giải trong nước và quốc tế. Trong 7 huy chương vàng của đội tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games vừa qua, Hoàng đã đóng góp 3 (2 huy chương vàng cá nhân và 1 huy chương vàng đồng đội). Hoàng từng đạt huy chương đồng và bạc tại ASIAD 2018 (Indonesia) và đặc biệt huy chương vàng tại Thế vận hội trẻ 2018 Argentina.

Để trở thành ngôi sao của bơi lội Việt Nam như hiện nay, Hoàng đã bền bỉ tập luyện ngay từ khi còn nhỏ. Là con út trong gia đình có 6 anh em, cha mẹ làm nghề chài lưới bên bờ sông Gianh, anh sớm bơi lội thành thục hơn các bạn đồng trang lứa không chỉ để sinh tồn qua mùa lũ, mà còn để lặn rong rêu cho cá ăn, phụ giúp gia đình kiếm sống. 11 tuổi, Hoàng phải vượt qua thách thức đầu tiên khi theo đuổi môn bơi: rời xa vòng tay gia đình, tự chăm sóc bản thân khi đi tập huấn tại Trung tâm huấn luyện thể dục thể thao tỉnh Quảng Bình, sau đó là Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia ở TP HCM và Cần Thơ. Ngoài ra, thể hình thấp bé và sải tay hạn chế buộc Hoàng phải nỗ lực tập luyện nhiều hơn để theo kịp các bạn.

Hotboy bơi lội cho rằng tập luyện thể thao để đạt thành tích cao là một quá trình dài hạn nhưng có ý chí kiên định vượt khó ắt sẽ chạm đến đỉnh vinh quang.

Từ tấm huy chương vàng năm 11 tuổi tại giải bơi lội Hội khỏe Phù Đổng đến bộ sưu tập huy chương quốc tế là phần thưởng cho chàng kình ngư trẻ đã bền chí bơi ra biển lớn. Bơi lội không chỉ giúp Hoàng rèn luyện thể lực, sự dẻo dai dưới nước mà còn tiếp sức mạnh tinh thần cho anh, ý chí bền bỉ của anh cũng nhờ đó mà được trui rèn từng ngày.

Trong sự nghiệp của mình, Châu Tuyết Vân (sinh năm 1990 tại TP HCM) nhiều lần vô địch giải khu vực và thế giới. Tại Campuchia vừa qua, cô bảo vệ thành công chiếc huy chương vàng SEA Games thứ 6 liên tiếp của minh. Những kết quả này chính là "trái ngọt" của hơn 20 năm bền chí tập luyện và rất nhiều lần vượt qua chấn thương của nữ vận động viên.

Vân bắt đầu gắn bó với Taekwondo từ năm 9 tuổi. Có thể hình ốm yếu nên cô được gia đình tạo điều kiện cho theo học võ để rèn sức khỏe. 7 tuổi, Vân được giáo viên nhận xét "quá nhỏ để theo kịp giáo án Vovinam như các anh chị lớn tuổi trong lớp". "Một lần đi họp phụ huynh, ba tôi tình cờ thấy lớp Taekwondo có nhiều em nhỏ, trạc tuổi con gái mình. Vậy là ba quyết định chuyển tôi từ Vovinam sang lớp Taekwondo. Ba nói luôn muốn tôi khỏe mạnh, tự tin và có thể tự xử lý các tình huống bất trắc gặp phải", Tuyết Vân kể.

Học môn võ mới, cô gái nhỏ tiếp tục phải cố gắng hơn các bạn trong lớp. Thể trạng nhỏ, dẫn đến thể lực và sức mạnh cũng không bằng người khác nên Vân tự mình tập thêm. Không ngày nào mà tay chân Vân không bầm.

Chấn thương là điều mà hầu hết các vận động viên đều phải đối mặt. Vân từng bị lật cổ chân khi tham dự tập huấn ở Hàn Quốc để chuẩn bị cho ASIAD 2012. Khi đó, theo các chuyên gia, cô phải mất hơn 2 tháng để phục hồi, đồng nghĩa với việc bỏ lỡ giải đấu. Cô đã quấn băng cố định cổ chân để tiếp tục tập luyện và thi đấu. Mỗi lần cô di chuyển, vết thương đều nhói đau. Bù lại đó là giải thành công của Vân khi cô đứng trên bục nhận huy chương vàng nhờ tinh thần "có chí thì nên".

Hoa khôi làng võ thừa nhận, ngoài sự yêu mến của khán giả, những tấm huy chương và thu nhập để nuôi sống bản thân và gia đình, võ thuật mang lại cho cô nhiều giá trị khác: sự điềm tĩnh, bền bỉ tập luyên, kiên định với đam mê.

Đến với bóng rổ muộn và đi lên từ con đường bán chuyên, Đặng Thái Hưng (sinh năm 1990, Hà Nội) buộc phải nỗ lực rèn luyện nhiều hơn các đồng đội khác. Hưng bén duyên với trái bóng cam khi là học sinh trường THPT Phan Đình Phùng với nhiều thành tích tại các giải bóng rổ học sinh, sinh viên.

Ban đầu, anh và gia đình chỉ xem bóng rổ như một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe. Anh vẫn lựa chọn một công việc văn phòng ổn định sau khi tốt nghiệp đại học. Bên cạnh công việc văn phòng, Hưng vẫn muốn cháy hết mình với đam mê dành cho bóng rổ. Cân bằng giữa công việc và thi đấu chính là thách thức đầu tiên mà Hưng gặp phải khi theo đuổi bóng rổ chuyên nghiệp. Không đủ thời gian để nghỉ ngơi và hồi phục sau tập luyện, anh gặp nhiều chấn thương ảnh hưởng lớn đến việc thi đấu.

Giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) năm 2016 đã mở ra một chương mới cho cuộc đời của Hưng, là bước ngoặt để anh quyết tâm theo đuổi bóng rổ chuyên nghiệp. Hưng hiện góp mặt trong màu áo Thăng Long Warriors và đội tuyển bóng rổ Việt Nam thi đấu tại nhiều giải khu vực và quốc tế.

Xuất phát từ các giải phong trào nên nền tảng thể chất của Hưng còn hạn chế. Anh cũng không có người hướng dẫn hay chỉ dạy bài bản. "Tôi gặp nhiều chấn thương cũng như dành nhiều thời gian mình trau dồi và hoàn thiện bản thân để đáp ứng với môi trường tập luyện chuyên nghiệp", Hưng kể lại.

Anh vẫn nhớ đợt chấn thương phức tạp ở cổ chân kéo dài dai dẳng từ 2018 đến trước mùa giải VBA 2020. Tìm đủ mọi phương pháp điều trị nhưng chấn thương vẫn không phục hồi dứt điểm. Sau cùng, anh đã tìm đến một vị huấn luyện viên cá nhân để điều chỉnh những sai sót trong tư thế, động tác và chăm chỉ luyện tập để nâng cao thể lực, dần dần hồi phục sau chấn thương.

Hưng cho biết, sự kiên trì, bền bỉ chính là chìa khóa thành công giúp anh tiến bộ hơn mỗi ngày. "Mỗi lúc gặp khó, mình sẽ tìm cách giải quyết vấn đề và vượt qua những nghịch cảnh để lần sau luôn tốt hơn lần trước", Hưng chia sẻ.

Nội dung: Hoàng Anh - Ảnh: NVCC - Thiết kế: Duc Tran