Ngày 5/9, học sinh, sinh viên cả nước sẽ khai giảng, chính thức bước vào năm học mới 2017-2018. Trong năm học này, ngành giáo dục phải khắc phục nhiều vấn đề, không ít điểm trong đó đã là chuyện của nhiều năm trước.
Thiếu trường lớp, cơ sở vật chất không đảm bảo
Nhiều năm nay, các đô thị luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp, đặc biệt là khối mầm non, tiểu học. Việc bốc thăm chọn học sinh không còn là cá biệt tại trường đóng ở vùng đông dân cư Hà Nội. Nhiều tỉnh thành đông công nhân như Đồng Nai, phụ huynh phải xếp hàng xuyên đêm chờ xin học cho con.
Tại các tỉnh miền núi phía bắc, mưa lũ thời gian qua phá tan hoang nhiều trường học, làm gia tăng số lớp học bán kiên cố. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước hiện còn gần 47.300 phòng học bán kiên cố, 6.240 phòng học tạm, học nhờ, tập trung ở miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long. Ở cấp mầm non, có 90 đơn vị cấp xã chưa có trường mầm non, nhiều nơi thiếu phòng học để tổ chức học hai buổi một ngày.
Những hạng mục khác trong trường học như nhà vệ sinh, nước sạch, bếp ăn, đồ dùng học tập… ở nhiều địa phương còn thiếu, chưa đảm bảo chất lượng. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục, cả nước còn hơn 14.700 phòng học bộ môn cấp THCS và gần 3.200 phòng học cấp THPT chưa đáp ứng theo quy định.
"Để đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa, trong thời gian tới cần ưu tiên đầu tư xây dựng thêm phòng học, tăng cường cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo", Bộ Giáo dục xác định nhiệm vụ cho năm học mới.
Thừa thiếu giáo viên cục bộ, chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục chỉ ra, ở một số địa phương còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Cả nước hiện thừa hơn 26.000 cử nhân sư phạm, tập trung ở khối THCS; thiếu giáo viên mầm non, tiểu học, đặc biệt là giáo viên dạy các môn Tin học, Ngoại ngữ, Nhạc, Họa...
Đơn cử Thanh Hóa thiếu hơn 2.500 giáo viên mầm non, 350 giáo viên tiểu học cho năm học mới so với tổng biên chế UBND tỉnh giao. Nguyên nhân là số học sinh bậc học này tăng, trong khi tổng biên chế không tăng.
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại khi điểm chuẩn trường sư phạm thấp.
Năng lực nghề nghiệp của một bộ phận giáo viên được Bộ Giáo dục đánh giá còn yếu, phương pháp giảng dạy chậm đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh. "Một số thiếu kỹ năng, phương pháp sư phạm, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức", báo cáo của Bộ Giáo dục tháng 8/2017 nêu.
Ở khối đại học, số lượng giảng viên tăng so với năm học 2015-2016, tuy nhiên tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống còn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm chỉ chiếm khoảng 3,4%.
Lúng túng trong việc tìm mô hình học hiệu quả, phù hợp với Việt Nam
Bộ Giáo dục đưa ra một số mô hình giáo dục được cho là tiên tiến như VNEN với hình thức tổ chức dạy học chủ đạo là hoạt động nhóm và hoạt động cá nhân. Mô hình trường học mới này từ khi bắt đầu áp dụng năm học 2011-2012 đến nay đã có 5.620 trường, gồm 4.440 trường tiểu học (chiếm 15% học sinh toàn quốc) và 1.180 trường THCS (chiếm 10%) tham gia.
Tuy nhiên, quá trình triển khai VNEN đã gặp nhiều phản ứng từ giáo viên, phụ huynh bởi sự không phù hợp (lớp học quá đông), thiếu hiệu quả. Từ năm học này, tỉnh Hà Tĩnh thống nhất dừng triển khai mô hình trường học VNEN đối với bậc THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Đối với bậc Tiểu học, tỉnh không triển khai thêm các lớp học mới VNEN.
Một số mô hình khác được Bộ Giáo dục đưa ra, như STEM - giúp học sinh tìm hiểu các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, Toán thông qua thực hành lắp ráp robot; phương pháp Bàn tay nặn bột - đề cao thực hành thí nghiệm trong các môn tự nhiên để học sinh tự khám phá kiến thức… Các mô hình này ban đầu nhận được lời tán dương nhưng do mới triển khai thí điểm ở một số nơi nên chưa đủ cơ sở đánh giá hiệu quả.
Hoàn thiện kỳ thi THPT quốc gia
Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được đánh giá có nhiều ưu việt khi giúp việc thi cử trở nên nhẹ nhàng, giảm áp lực, tiết kiệm chi phí. Kỳ thi chỉ diễn ra trong 2,5 ngày, tổ chức ngay tại các tỉnh thành, có 5 bài thi gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Khoa học xã hội, Khoa học tự nhiên. Trừ Văn làm tự luận, các bài còn lại là trắc nghiệm.
Tuy nhiên, đề thi dễ, tính phân loại thấp nên đã tạo ra "mưa điểm 10", tăng đột biến điểm từ 8 trở lên. Cùng với mức điểm ưu tiên hàng chục năm không thay đổi, các trường đại học tốp trên và giữa phải lấy điểm xét tuyển rất cao, như Học viện An ninh nhân dân phải lấy vượt mức tuyệt đối 30,5; Đại học Phòng cháy chữa cháy lấy 30. Nhiều thí sinh được 29,25 vẫn trượt nguyện vọng một vào Bác sĩ đa khoa của Đại học Y Hà Nội và Đại học Y Dược TP HCM.
Tại hội nghị tổng kết của ngành (11/8), Bộ trưởng Giáo dục đã nhấn mạnh nhiệm vụ của năm học tới là "cải tiến về mặt kỹ thuật để kỳ thi ngày càng tốt hơn". Ngày cuối tháng 8, Bộ đã có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng lấy ý kiến về hai phương án thi THPT quốc gia 2018. Một là giữ nguyên như năm 2017 với ba môn thi thành phần riêng biệt trong bài tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học Xã hội. Sẽ có điểm thành phần từng môn và điểm tổng toàn bài. Các trường tiếp tục xét tuyển như năm 2017.
Phương án hai là chuyển hướng bài tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Nghĩa là thay vì tách riêng ba môn thi thành phần như năm 2017, Bộ sẽ trộn lẫn kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm sẽ được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần.
Trường sư phạm nhiều, chất lượng đầu vào thấp
Kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng vừa qua, trừ một số trường như Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP HCM, các trường còn lại đều lấy điểm chuẩn rất thấp, bằng với mức sàn 15,5 điểm của Bộ Giáo dục. Nhiều trường cao đẳng chỉ lấy trung bình mỗi môn 3 điểm. Chất lượng đầu vào thấp khiến đầu ra khó có thể cải thiện.
Tại một hội nghị tổ chức vào tháng 8, hàng loạt nguyên nhân được chỉ ra như: quá nhiều trường sư phạm; tuyển dụng không gắn với nhu cầu thực tiễn; chế độ đãi ngộ giáo viên thấp... Thống kê nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên cho thấy, cả nước hiện có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên.
Thừa nhận tất cả hạn chế này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ xác định việc quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục, đặc biệt là đào tạo giáo viên, là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu trong năm học tới. Bộ cũng tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm, quy định điểm chuẩn riêng cho ngành này.